banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

10/02/2015

Kinh nghiệm triển khai khuyến cáo về an toàn người bệnh tại bệnh viện Từ Dũ


Th.S BS Lê Quang Thanh, BS CKI. Phạm Thanh Hải
BV Từ Dũ


An toàn người bệnh (ATNB) là sự phòng ngừa các sai sót có thể gây nguy hại cho người bệnh trong quá trình điều trị và chăm sóc. Chính vì tầm quan trọng ý nghĩa thiết thực của công tác này, sở y tế Tp.HCM năm 2014 đã ban hành 20 khuyến cáo triển khai hoạt động an toàn người bệnh tại các bệnh viện. Thông qua khuyến cáo của Sở y tế, bệnh viện Từ Dũ đã và đang từng bước triển khai các hoạt động an toàn người bệnh như sau:


1. Hoạt động quản lý lãnh đạo


ATNB từ lâu luôn luôn được xem là nhiệm vụ trong tâm trong hoạt động bệnh viện. Ban ATNB được thành lập tại bệnh viện vào tháng 2/2011, cho đến hiện tại bệnh viện Từ Dũ đã hoàn thiện hệ thống Quản lý chất lượng (QLCL) bao gồm: Hội đồng Quản lý chất lượng (22 thành viên) – Phòng Quản lý chất lượng (4 nhân viên chuyên trách) – Mạng lưới Quản lý chất lượng (200 thành viên). Hội đồng QLCL đã thành lập 5 Ban trong đó Ban ATNB có 22 thành viên có đầy đủ thành phần đại diện các khoa phòng trong bệnh viện có liên quan đến qui trình chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh.
Trong hoạt động bệnh viện, an toàn người bệnh là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động cải tiến chất lượng bệnh viện. Giám đốc bệnh viện phân công Trưởng phòng QLCL có nhiệm vụ giám sát tiến độ thực hiện kế hoạch Ban ATNB và định kỳ tổng kết báo cáo cho lãnh đạo bệnh viện.


2. Hoạt động quản lý sự cố


Theo WHO, sự cố ATNB là những sự cố hay hoàn cảnh có thể dẫn đến hoặc đã gây ra tổn hại không cần thiến cho người bệnh. Nhằm hạn chế tối đa các sự cố, bệnh viện thành lập đoàn giám sát chủ động hàng tuần hoạt động với các khoa trọng điểm
(Khoa cấp cứu, Khoa Sanh, Sơ sinh, Phụ, Gây mê hồi sức) trong 3 tháng. Nội dung giám sát là sự tuân thủ của nhân viên y tế với các qui chế do Bộ Y tế và các qui định của bệnh viện ban hành. Hành động khác nhằm chủ động phát hiện sự cố là giám sát chủ động hồ sơ bệnh án, hiện tại bệnh viện tập trung giám sát một phần các bệnh án chuyển viện, tái nhập viện sớm trong vòng 7 ngày, bệnh án điều trị trên 15 ngày với kỹ thuật cao, chi phí lớn.


Ban ATNB được thành lập năm 2011 với mục tiêu xuyên suốt là học hỏi từ các sai sót để từ đó cải tiến chất lượng bệnh viện liên tục. Bệnh viện đã ban hành chính sách và qui trình quản lý sự cố, đào tạo cho nhân viên trong bệnh viện hiểu tính cần thiết và biết cách thực hiện báo cáo khi có sự cố xảy ra. Trung bình hàng năm bệnh viện thu nhận trên 100 sự cố được báo cáo, qua việc phân tích nguyên nhân gốc của các sự cố, bệnh viện đã tiến hành nhiều cải tiến trong các qui trình nhằm thúc đẩy các hoạt động bệnh viện ngày càng phù hợp hơn, an toàn hơn. Để tránh các sự cố ở khoa này có thể lập lại ở khoa khác, mạng lưới QLCL bệnh viện luôn nắm bắt thông tin, bên cạnh đó các bản tin ATNB được phát hành định kỳ mỗi 3 tháng giúp nhân viên toàn bệnh viên có thêm các thông tin về ATNB. Bệnh viện luôn động viên và các hình thức khuyến khích các cá nhân và tập thể tích cực tham gia báo cáo sự cố tự nguyện để học hỏi từ sai sót, xây dựng văn hóa an toàn tại bệnh viện.
Hình ảnh Ban ATNB phân tích nguyên nhân gốc các sự cố được báo cáo tại bệnh viện

Ban ATNB phân tích nguyên nhân gốc các sự cố được báo cáo tại bệnh viện


3. Hoạt động triển khai chăm sóc và điều trị

Nhiệm vụ chính của các bệnh viện là triển khai các hoạt động điều trị và chăm sóc người bệnh và tất cả các hoạt động này tại bệnh viện Từ Dũ được kiểm soát thông qua “Phác đồ điều trị” và “Qui trình kỹ thuật điều dưỡng” trong đó có các nội dung về ATNB giúp nhân viên y tế chủ động đề phòng các rủi ro khi triển khai các dịch vụ và đây cũng là tài liệu trong đào tạo hướng nghiệp cho các nhân viên bệnh viện.


Đối với việc triển khai các danh mục kỹ thuật, bệnh viện qui định “cột chuyên môn” cho các bác sĩ sản phụ khoa, nhi khoa, gây

mê hồi sức và chẩn đoán hình ảnh với chức năng nhiệm vụ và tiêu chí xét nâng cột rõ ràng cụ thể. Cùng với qui định này, chúng tôi đảm bảo các kỹ thuật phức tạp, nguy cơ cao được những người có kinh nghiệm và tay nghề tại bệnh viện đảm trách thực hiện. Qui định “cột lâm sàng” giúp cho chúng tôi thực hiện qui chế hội chẩn chuyên môn một cách khoa học, tăng cường đoàn kết nội bộ và truyền đạt kỹ năng chuyên môn của các thế hệ trong bệnh viện.


Góp phần vào thành công của quá trình điều trị là công tác cung ứng và đặc biệt là công tác dược lâm sàng tại bệnh viện. Đội ngũ dược sĩ lâm sàng tại bệnh viện triển khai nhiều hoạt động đặc biệt tham gia cùng với các bác sĩ điều trị trong việc chọn lựa thuốc, liều lượng thuốc, đường dùng thuốc phù hợp cho từng người bệnh cụ thể. Thông qua hoạt động này, bệnh viện đã từng bước áp dụng được nhiều khuyến cáo dựa trên y học chứng cứ vào phác đồ điều trị, triển khai nhiền đề tài nghiên cứu khoa học có ứng dụng thực tiễn vào hoạt động chuyên môn bệnh viện.


4. Hoạt động đào tạo


Đào tạo liên tục nhằm duy trì chất lượng nguồn nhân lực luôn là nhiệm vụ trong tâm của bệnh viện và đảm bảo cho tính khả thi của qui định phân “cột chuyên môn” tại bệnh viện. Hàng năm bệnh viện triển khai các khóa đào tạo về các kỹ năng thực hiện danh mục kỹ thuật theo từng “cột lâm sàng” tương ứng, các nội dung ATNB cũng được chú trọng đào tạo cho tất cả các đối tượng như kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng thuốc, an toàn truyền máu. . .


Bên cạnh các kỹ năng chuyên môn, bệnh viện đặt biệt chú trọng đào tạo các kỹ năng “mềm” – những kỹ năng giao tiếp, ứng xử – đây thật sự là những kỹ năng cần thiết trong quá trình hành nghề của nhân viên y tế – cho đội ngũ lãnh đạo và toàn thể nhân viên bệnh viện. Trong thời gian qua, trên 1000 nhân viên bệnh viện đã được đào tạo kỹ năng giao tiếp với khác hàng trong đó trên 90% đội ngũ bác sĩ đã được đào tạo. Đối với kỹ năng lãnh đạo, chúng tôi mong muốn đạt được mục tiêu gắn kết đội ngũ chung sức với bệnh viện từng bước cải tiến chất lượng liên tục.


KẾT LUẬN


ATNB là hoạt động cần thiết và là mục tiêu hàng đầu trong hoạt động cải tiến chất lượng của tất cả các bệnh viện. Qua thực tiễn triển khai chúng tôi nhận thấy 20 khuyến cáo của Sở Y tế là tài liệu hướng dẫn cụ thể, chi tiết và rất hữu ích đối với việc triển khai hoạt động an toàn người bệnh tại các bệnh viện. Để đảm bảo triển khai đầy đủ khuyến cáo của SYT cần có sự cam kết của lãnh đạo, đồng lòng của tập thể và cần có thời gian – lộ trình cụ thể.