banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

25/04/2013

Những câu hỏi thường gặp khi sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp

Ds Thân Thị Mỹ Linh
Khoa Dược -  BV Từ Dũ

1. Ngừa thai khẩn cấp là gì?

Ngừa thai khẩn cấp là việc sử dụng một số phương pháp để ngừa thai sau khi người phụ nữ đã có quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp ngừa thai hoặc khi phương pháp ngừa thai đang sử dụng không thành công.

2. Có những biện pháp ngừa thai khẩn cấp nào?

Tại Hoa Kỳ, có hai hình thức ngừa thai khẩn cấp

- Thuốc viên ngừa thai khẩn cấp

- Vòng tránh thai (IUD)

3. Có những loại thuốc viên ngừa thai khẩn cấp nào?

Có ba loại thuốc ngừa thai khẩn cấp

- Thuốc chỉ chứa progestin

- Thuốc ngừa thai dạng phối hợp

- Thuốc có hoạt chất ulipristal (Ella®)

4. Thuốc ngừa thai khẩn cấp chỉ chứa progestin được sử dụng như thế nào?

Thuốc ngừa thai khẩn cấp chỉ chứa progestin được trình bày dạng một viên hoặc hai viên thuốc được uống cách nhau 12-24 giờ. Nên được bắt đầu uống thuốc càng sớm càng tốt sau khi quan hệ tình dục không ngừa thai. Thuốc chỉ chứa progestin có thể được sử dụng hơn một lần trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt.

5. Hiệu quả của những viên thuốc tránh thai khẩn cấp chỉ chứa progestin như thế nào?

Thuốc viên chỉ chứa progestin ngừa thai chủ yếu bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng. Thuốc không có hiệu quả nếu bạn đã mang thai và không ảnh hưởng đến  quá trình mang thai đã bắt đầu trước đó. Hiệu quả ngừa thai khoảng 75%. Hiệu quả giảm dần theo thời gian, thuốc có hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng 72 giờ (3 ngày) quan hệ tình dục không an toàn, tương đối hiệu quả khi dùng trong vòng 120 giờ (5 ngày).

6. Thuốc phối hợp là gì?

Thuốc ngừa thai có chứa estrogen và progestin được gọi là thuốc phối hợp.

7. Thuốc phối hợp được sử dụng để tránh thai khẩn cấp như thế nào?

Sử dụng thuốc với liều cao hơn liều thường dùng, thuốc ngừa thai phối hợp có thể được sử dụng để tránh thai khẩn cấp, thường sử dụng hai liều. Số lượng thuốc cần thiết để ngừa thai khẩn cấp là khác nhau cho từng biệt dược. Việc dùng thuốc tránh thai khẩn cấp cần được thực hiện càng sớm càng tốt cho tới 120 giờ, hoặc 5 ngày, sau khi giao hợp không được bảo vệ. Cơ chế của thuốc ngừa thai phối hợp là ngăn chặn sự rụng trứng.

8. Hiệu quả của thuốc ngừa thai khẩn cấp dạng phối hợp như thế nào?

Thuốc ngừa thai khẩn cấp dạng phối hợp không có hiệu quả ngừa thai như thuốc chỉ chứa progestin. Vì lý do này và vì nguy cơ cao có thể gây buồn nôn và nôn, phương pháp ngừa thai khẩn cấp sử dụng thuốc chỉ chứa progestin được ưa dùng hơn.

10. Thuốc chứa ulipristal được sử dụng như thế nào?

Ulipristal có thể sử dụng trong vòng 120 giờ (5 ngày) sau khi giao hợp không được bảo vệ mà không có giảm hiệu quả. Ulipristal là thuốc phải kê đơn. Nghiên cứu cho thấy rằng ulipristal có hiệu quả ngừa thai cao hơn thuốc chỉ chứa progestin nếu thực hiện đúng theo chỉ dẫn.

11 Ulipristal sử dụng lặp lại như thế nào?

Bởi những tác động của việc sử dụng lặp lại của ulipristal chưa được biết đến nên chỉ sử dụng thuốc một lần trong một chu kỳ kinh nguyệt. Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của các phương pháp ngừa thai có sử dụng hormon. Sử dụng một biện pháp ngừa thai không dùng nội tiết tố (ví dụ: bao cao su) sau khi uống ulipristal cho đến khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

12. Làm thế để có được các thuốc ngừa thai khẩn cấp?

Ulipristal và thuốc ngừa thai dạng phối hợp là những thuốc phải kê toa. Thuốc chỉ chứa progestin có thể mua tại các nhà thuốc mà không cần toa bác sĩ nếu bạn từ 17 tuổi trở lên và phải theo toa bác sĩ nếu bạn là dưới 17 tuổi.

13. Tác dụng phụ của thuốc ngừa thai khẩn cấp là gì?

Buồn nôn và nôn có thể xảy ra sau khi uống thuốc chỉ chứa progestin và thuốc ngừa thai dạng phối hợp. Chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo có thể không xảy theo đúng thời gian dự kiến, có thể xuất huyết bất thường trong tuần hoặc tháng sau khi điều trị. Những tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm:

- Đau bụng và chuột rút

- Căng ngực

- Đau đầu

- Chóng mặt

- Mệt mỏi

Những tác dụng phụ thường biến mất trong vòng một vài ngày.

Tác dụng phụ của ulipristal bao gồm: đau đầu, buồn nôn và đau bụng. Chu kỳ kinh nguyệt có thể bị xáo trộn, có thể có xuất huyết.

14. Thuốc ngừa thai khẩn cấp có an toàn không?

Thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin và thuốc ngừa thai dạng phối hợp an toàn ngay cả đối với những người phụ nữ bình thường được khuyến cáo không sử dụng biện pháp ngừa thai có sử dụng hormon. Ngừa thai khẩn cấp chỉ sử dụng trong khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, các thuốc này không nên được sử dụng ngừa thai dài hạn vì sử dụng thường xuyên thuốc ngừa thai khẩn cấp sẽ có nhiều tác dụng phụ hơn.

15. Có cần phải theo dõi gì sau khi sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp không?

Không cần thực hiện các xét nghiệm sau khi uống ngừa thai khẩn cấp. Tuy nhiên, cần phải thực hiện một test thử thai nếu bạn chưa có kinh nguyệt trong vòng một tuần theo thời gian dự kiến. Thuốc chỉ chứa progestin và thuốc ngừa thai dạng phối hợp không gây hại cho thai hoặc sức khỏe của em bé nếu đã mang thai. Hiện nay, có rất ít thông tin về việc liệu ulipristal có thể gây hại cho thai nếu người sử dụng đã mang thai.

16. Có thể có thai trong chu kỳ kinh nguyệt sau khi đã sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp hay không?

Vẫn có thể mang thai trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt sau khi đã sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp. Để tránh mang thai, nên sử dụng một biện pháp ngừa thai rào chắn (ví dụ: bao cao su) cho đến khi có kinh nguyệt. Có thể bắt đầu sử dụng thuốc ngừa thai, miếng dán hoặc vòng âm đạo ngay sau khi dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp vẫn phải sử dụng một biện pháp ngừa thai rào chắn cho đến khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

17. Dụng cụ đặt tử cung chứa đồng (IUD) được sử dụng ngừa thai khẩn cấp như thế nào?

IUD phải được đặt trong vòng 5 ngày kể từ ngày có quan hệ tình dục không được bảo vệ. Hiệu quả ngừa thai khoảng 99%. Một lợi ích là vòng tránh thai sau đó có thể được sử dụng để ngừa thai lâu dài. Nhược điểm: không bảo vệ chống lại bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nếu nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục, bao cao su dành cho nam hoặc nữ nên được sử dụng kèm với IUD. Một số phụ nữ có một số đặc điểm không thể sử dụng IUD.

Tài liệu tham khảo

http://www.acog.org/For_Patients/. Emergency contraception.