18/11/2020

Đau bụng kinh: những cách giúp giảm đau

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Kinh nguyệt là tình trạng ra huyết âm đạo hàng tháng ở người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên nhiều người trong số họ phải chịu đựng những cơn đau bụng mỗi kỳ kinh. Triệu chứng đau gây khó chịu và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, thậm chí có thể ảnh hưởng đến công việc và sức khoẻ tinh thần của người phụ nữ.

Đau bụng kinh hay còn gọi là thống kinh, là tình trạng khá thường gặp ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Đau ở vùng bụng dưới, thường xuất hiện khi hành kinh, kéo dài 2-3 ngày hoặc lâu hơn. Mức độ đau thay đổi từ nhẹ như cảm giác trằn nặng vùng bụng dưới cho đến đau dữ dội. Một số trường hợp đau có thể kéo dài suốt chu kỳ kinh, tạo nên những cơn đau mãn tính dai dẳng.

Vì sao tôi bị thống kinh?

Hình minh họa - nguồn internet

Có 2 kiểu thống kinh: thống kinh nguyên phát và thống kinh thứ phát.

Thống kinh nguyên phát là kiểu thường gặp nhất. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này. Bình thường cơ tử cung luôn có sự co thắt nhẹ, tuy nhiên chúng ta không cảm nhận được những co thắt này. Khi hành kinh, cơ tử cung co thắt nhiều hơn để tống xuất các phần niêm mạc bong tróc ra ngoài. Sự co thắt này gây thiếu máu đến tử cung tạm thời. Thiếu oxy đến mô sẽ kích thích tử cung tiết ra các hoá chất trung gian gây đau như Prostaglandins. Những hoá chất này lại khiến cơ tử cung co thắt mạnh hơn. Hiện tại, cơ chế tại sao người phụ nữ này lại bị đau nhiều hơn người khác vẫn chưa được biết rõ. Có thể do cơ thể họ tiết ra nồng độ Prostaglandins cao hơn hoặc do ngưỡng chịu đau thấp hơn.

Thống kinh thứ phát là tình trạng đau bụng kinh do các bệnh lý như: Lạc nội mạc tử cung, Adenomyosis, U xơ tử cung, Viêm vùng chậu mạn tính. Đặt dụng cụ tử cung tránh thai cũng có thể gây đau theo chu kỳ.

Khi bị thống kinh, bạn nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa sản phụ khoa uy tín để xác định xem liệu có nguyên nhân gây đau hay không. Điều trị nguyên nhân sẽ giải quyết được cơn đau của bạn.

Khi không tìm thấy nguyên nhân (thống kinh nguyên phát), bạn có thể áp dụng các phương pháp sau để giảm đau: 

  1. Thuốc giảm đau “không kê đơn”: Đây là những loại thuốc bạn có thể tự mua để giảm đau. Tuy vậy, liều lượng thuốc cần được tuân thủ đúng và một số loại có thể có tác dụng phụ nếu bạn uống quá nhiều. Bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau thuộc nhóm NSAIDs như Ibuprofen, Diclofenac để giảm đau tạm thời khi bị đau bụng kinh. Hoặc nếu dự đoán được ngày hành kinh, bạn có thể sử dụng thuốc trước đó vài ngày.
  2. Chườm ấm: Dùng 1 túi ấm hoặc chai nước ấm khoảng 40oC đặt lên vùng bụng dưới. Tắm nước
    Hình minh họa - nguồn internet
    ấm cũng góp phần giúp bạn thư giãn và giảm đau.
  3. Massage vùng chậu: xoa nhẹ vùng bụng dưới, hai bên hông và thắt lưng giúp giảm đau. Bạn nên thực hiện vài ngày trước khi có kinh nguyệt. Có thể kết hợp với dầu massage.
  4. Kiểm soát chế độ ăn: Các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có khuynh hướng khiến tình trạng viêm nặng thêm như tinh bột, đường, muối, thức ăn nhanh, chất béo bão hòa và các chất kích thích như rượu, caffein.

Tăng cường ăn các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như:

  • Thực phẩm nhiều chất xơ, như trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc.
  • Thực phẩm giàu chất sắt, chẳng hạn như rau lá xanh đậm, bông cải xanh, đậu, ngũ cốc và các loại hạt.
  • Thực phẩm giàu axit béo thiết yếu, chẳng hạn Acid béo Omega-3: có hoạt tính giảm viêm. Chúng được tìm thấy tự nhiên trong các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá trích, và một số loại quả như quả óc chó, hạt chia và hạt lanh. Bạn cũng có thể bổ sung bằng viên uống hằng ngày.
  • Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa được tìm thấy trong các loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc, như cam, quả mọng, sô-cô-la đen, rau bina và củ cải đường.
  1. Nghệ: nghệ có tính kháng viêm. Một nghiên cứu cho thấy nghệ có khả năng ức chế Estradiol (E2) nhẹ. Có thể bổ sung nghệ trong chế độ ăn hoặc dưới dạng viên nang.
  2. Vitamin E: Nghiên cứu cho thấy bổ sung 1.200 đơn vị quốc tế (IU) vitamin E mỗi ngày, có hiệu quả giảm viêm và giảm đau vùng chậu mãn tính.
  3. Tập thể dục nhẹ - Yoga, Pilates: Tập thể dục đều đặn giúp giải phóng Endorphin – một hormone góp phần giảm đau.
  4. Nghỉ ngơi: rất quan trọng, đặt biệt trong lúc hành kinh. Nằm nghiêng, đầu gối kéo vào ngực có thể giúp bạn giảm đau hoặc giảm áp lực ở lưng.
  5. Thảo dược: Các loại thảo dược như trà hoa cúc, quế, gừng, hạt thì là … có thể giúp giảm triệu chứng, mặc dù rất ít nghiên cứu được thực hiện. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không có khuyến cáo về chất lượng, liều lượng cũng như độ tinh khiết của các chế phẩm này. Bạn cần nhận sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng thảo dược để giảm đau.

Nếu vẫn không giảm đau sau khi sử dụng các thuốc giảm đau “không kê đơn” cũng như một số phương pháp trên, bạn nên đến gặp bác sĩ, có thể bạn cần được kê đơn các thuốc giảm đau khác.

Tham khảo:

 

1. Sharghi, Maedeh et al. An update and systematic review on the treatment of primary dysmenorrhea. JBRA assisted reproduction. 2019.

2. Najafi, Nastaran et al. Major dietary patterns in relation to menstrual pain: a nested case control study. BMC women's health. 2018.

3. Bernardi, Mariagiulia et al. Dysmenorrhea and related disorders. F1000Research. 2017.

4. Rosenwaks Z, Seegar-Jones G. Menstrual pain: its origin and pathogenesis. J Reprod Med. 1980