banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

29/03/2021

Điều cần biết về sảy thai giai đoạn sớm

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội

Sảy thai sớm là gì?

Sảy thai sớm (mất thai sớm) là khi thai kỳ kết thúc và không giữ được thai trong 3 tháng đầu. Các trường hợp thai lưu, thai ngưng phát triển giai đoạn sớm cũng được xếp chung vào nhóm bệnh lý này. Hầu hết trường hợp sẽ có xuất huyết âm đạo nhưng đôi khi không có bất kỳ dấu hiệu nào. Trong trường hợp này, sảy thai được chẩn đoán dựa vào siêu âm.

Vì sao xảy ra sảy thai sớm?

Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta không thể tìm ra nguyên nhân của sảy thai sớm. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến nhất được tìm thấy là do bất thường bộ nhiễm sắc thể (một cấu trúc mang gen di truyền) của thai nhi (có thể do di truyền từ cha mẹ hoặc đột biến trong quá trình tạo phôi thai). Khi thai nhi có bộ nhiễm sắc thể không thích hợp để phát triển, nó sẽ có xu hướng bị đào thải.

Nguy cơ bị sảy thai của một phụ nữ là bao nhiêu?

Thật không may, thống kê cho thấy sảy thai sớm là tình huống khá thường gặp. Trong 3 tháng đầu, 1/5 thai kỳ (20%) sẽ bị sảy không rõ nguyên nhân. Sảy thai có thể xảy ra rất sớm trước cả khi người phụ nữ bị trễ kinh lần đầu.

Nguy cơ sảy thai sẽ tăng lên nếu bạn thuộc các trường hợp sau đây:

  • Nguy cơ sảy thai trong độ tuổi 30 là 20%, tuy nhiên khi đến 40 tuổi, bạn có nguy cơ sảy thai lên đến 50%.
  • Người có các vấn đề bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp không kiểm soát, thừa cân, béo phì.
  • Lối sống không lánh mạnh như hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu hoặc caffein làm tăng khả năng bị sảy thai sớm.

Không có bằng chứng cho thấy sự căng thẳng hay ốm nghén có thể gây sảy thai. Hoạt động tình dục, làm việc hay tập thể thao cũng không liên quan đến sảy thai sớm.

 

 

Chẩn đoán sảy thai sớm bằng cách nào?

Xuất huyết âm đạo hoặc đau bụng dưới rốn trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể là dấu hiệu của sảy thai sớm. Tuy nhiên, các dấu hiệu này khá thường gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ và không phải luôn luôn là sảy thai. Nó có thể là dấu hiệu của các tình trạng khác như thai ngoài tử cung, thai trứng hoặc chỉ là động thai. Do đó, khi có các dấu hiệu trên, bạn nên đến ngay một cơ sở sản khoa để khám và kiểm tra.

Sảy thai sớm thường được chẩn đoán thông qua thăm khám phụ khoa ngả âm đạo và siêu âm. Đôi khi bạn có thể được yêu cầu xét nghiệm nồng độ beta HCG trong máu (một hormone do bánh nhau sản xuất ra).

Một số phụ nữ sẽ sảy thai khá nhanh và hoàn toàn, tuy nhiên cũng có trường hợp việc chẩn đoán và xử trí sảy thai có thể mất vài tuần.

Khi nào tôi có thể mang thai lại?

Bạn có thể rụng trứng và có khả năng mang thai trở lại sau 2 tuần kể từ khi sảy thai. Hãy sử dụng biện pháp ngừa thai nếu bạn chưa muốn có thai ngay lập tức. Nếu bạn mong con, không có lý do y khoa nào phải chờ đợi để bắt đầu mang thai lại. Tuy nhiên, bạn chỉ nên bắt đầu khi 2 vợ chồng cảm thấy đã sẵn sàng cả về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Sau sảy thai, phần lớn các cặp vợ chồng sẽ gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần. Đôi khi bạn cần một thời gian dài để phục hồi cảm xúc. Do đó, hãy nhờ sự trợ giúp từ gia đình và bạn bè nếu bạn cảm thấy buồn và có những cảm xúc quá tiêu cực. Nhờ sự trợ giúp của bác sĩ nếu bạn không tự đối mặt được với nó.

Nguy cơ lần sảy thai lần sau có cao hơn không?

Trong hầu hết các trường hợp, sảy thai chỉ xảy ra một lần duy nhất và khả năng bạn mang thai thành công ở lần tiếp theo là rất cao.

Sảy thai từ 2 lần liên tiếp trở lên gặp ở rất ít phụ nữ (<1% phụ nữ bị sảy thai liên tiếp) và thông thường sẽ có một nguyên nhân khiến họ dễ bị sảy thai. Khi đó, bác sĩ sẽ cố gắng tìm ra nguyên nhân nếu bạn bị sảy thai nhiều lần. Ngay cả khi không tìm thấy nguyên nhân, hầu hết các cặp vợ chồng vẫn có khả năng mang thai thành công ở tương lai.

Tôi nên làm gì để chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo?

Giống như những phụ nữ khác có dự định mang thai, bạn nên:

  • Uống 400 microgam axit folic mỗi ngày trong khoảng 3 tháng trước khi mang thai và tiếp tục trong thời gian mang thai (ít nhất cho đến 12 tuần đầu) để giảm nguy cơ con bạn bị dị tật ống thần kinh.
  • Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì
  • Xây dựng một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng
  • Ngừng hút thuốc lá và không uống rượu bia.
  • Khám chuẩn bị trước mang thai luôn được khuyến khích thực hiện bất kể bạn đã từng có thai hay chưa. Mục đích khám để đánh giá khả năng sinh sản, sàng lọc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, sàng lọc các bệnh lý về di truyền cho các cặp đôi. Phát hiện sớm nguyên nhân có thể dẫn tới vô sinh (hiếm muộn). Tư vấn chích ngừa và bổ sung các chất cần thiết trước mang thai.

Tham khảo:

https://www.rcog.org.uk/en/patients/patient-leaflets/early-miscarriage/

https://www.acog.org/womens-health/faqs/early-pregnancy-loss