banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

06/12/2021

Sự thay đổi của bà mẹ sau sinh

Thời kỳ hậu sản (sau sinh) kéo dài 42 ngày (6 tuần). Đây là một thời gian đặc biệt giúp cho cơ thể bà mẹ hồi phục lại sau khi mang thai và sinh nở, đồng thời tình cảm của hai mẹ con sẽ hình thành và phát triển trong giai đoạn này.

Co hồi của tử cung:

Tử cung sẽ co bóp để thu nhỏ về kích thước ban đầu sau khi đã to lên gấp 10 lần lúc chuyển dạ. Khi tử cung co bóp sẽ gây ra những cơn đau sau sinh. Việc cho con bú sẽ thúc đẩy các cơn co thắt của tử cung, gây đau hơn nhưng lại giúp tử cung hồi phục nhanh hơn nên không cần phải lo lắng. Vận động sau khi sinh sẽ có tác dụng làm cho tử cung co bóp. Đôi khi bạn sẽ được các bác sĩ cho thuốc co hồi tử cung

Sản dịch:

Sản dịch là dịch chảy ra từ âm đạo sau khi mẹ hoàn thành ca sinh. Sản dịch bao gồm: máu và các mô từ niêm mạc tử cung. Ngay sau sinh, lượng sản dịch nhiều, có màu nâu đỏ, nên dùng loại băng vệ sinh chuyên dụng,

sau đó lượng sản dịch sẽ giảm dần chuyển từ màu vàng sang trắng và thường kéo dài 1 tháng. Nếu sản dịch có màu đỏ, lượng nhiều, kéo dài hay có mùi hôi thì có khả năng tử cung kém co hồi hay nghi ngờ bị nhiễm trùng, cần báo cho các bác sĩ để được thăm khám và xử trí.

Vết thương chổ cắt tầng sinh môn:

Trong quá trình sinh, bác sĩ có thể chỉ định cắt tầng sinh môn ở vị trí 6 giờ hoặc 7 giờ, căn cứ vào độ lớn của đầu thai nhi và tình trạng lúc đó. Đường cắt này sẽ được khâu lại sau khi sinh, có sử dụng thuốc tê nên mẹ không có cảm giác đau và đa số dùng chỉ tự tiêu nên mẹ không phải lo cắt chỉ. Vết đau sẽ mất đi sau khoảng 1 tuần và cảm giác co kéo thì sẽ mất sau khoảng 1 tháng. Bạn cần chú ý vệ sinh sạch sẽ tầng sinh môn, theo dõi sản dịch, thay băng vệ sinh hàng ngày, uống thuốc kháng sinh nếu có chỉ định của bác sĩ để dự phòng nhiễm trùng.

Sốt:

Trong khoảng 10 ngày sau sinh, nếu có tình trạng sốt cao trên 38oC kéo dài 2 ngày trở lên thì bạn có thể bị nhiễm trùng bên trong tử cung hay âm đạo. Bạn cần báo bác sĩ để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Rụng tóc:

Chị em trong thời gian mang thai và đặc biệt sau khi sinh con, tóc bị rụng là điều thường xảy ra. Nhiều chị em có thể hốt hoảng vì lượng tóc rụng trong thời gian này. Bởi nồng độ estrogen giảm mạnh sau sinh, khiến tóc bạn rụng nhiều, hoặc khiến tóc xơ xác hơn rất nhiều so với trước đây.

Các vấn đề về ngực:

Sau khi sinh con khoảng 2-3 ngày, ngực của bạn bắt đầu cương đau và cứng hơn, sốt nhẹ 38-38o5C, điều này mang đến cảm giác khó chịu, nhói đau. Giải pháp tốt nhất dành cho bạn là cho em bé bú. Ngực bạn sẽ không ngừng sản xuất sữa để cung cấp nuôi em bé trong thời gian này. Nếu bạn không cho bé bú, sữa ngày càng nhiều dẫn đến cương ngực, đau và khó chịu. Các cơn đau này sẽ diễn ra từ 3-5 ngày, khi tuyến sữa của bạn bắt đầu ổn định về quá trình sản sinh sữa, bạn sẽ bớt khó chịu.

+ Viêm tuyến sữa: Sữa đọng lại trong tuyến sữa từ đó vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm. Bầu ngực trở nên cứng có khi kèm theo cơn đau dữ dội hay phát sốt. Bạn nên đi khám sớm để được điều trị

+ Tắc ống dẫn sữa: Kiểm tra bằng cách nắm vào gốc của đầu vú bằng ngón cái và ngón trỏ mà sữa mẹ bắn ra thành nhiều tia sữa là không bị tắc, nếu chỉ bắn ra có vài tia hay thấy đau thì có khả năng ống dẫn sữa đang bị tắc

+ Nứt đầu vú: do em bé khi bú chỉ ngậm vào đầu vú, hoặc ngậm quá lâu. Hãy cho bé ngậm sâu vào quầng vú, mỗi lần cho bú khoảng 5-10 phút sau đó đổi bên

Da xấu đi:

Sinh nở cũng kéo theo sự thay đổi về làn da của chị em. Làn da của bạn có thể sẫm màu, xuất hiện nám, có mụn trứng cá và dễ bị tổn thương nặng nề nếu tiếp xúc với ánh mặt trời mà không được bảo vệ.

Cảm xúc thay đổi:

Trong những tuần đầu sau sinh, cảm xúc của phụ nữ rất mong manh, nhạy cảm. Nhiều nghiên cứu ước tính rằng có tới 80% bà mẹ khóc và cáu kỉnh nhiều hơn. Đó là điều dễ hiểu - cơ thể, em bé, cuộc sống của bạn phải trải qua những thay đổi nhanh chóng. Đối với hầu hết phụ nữ, cảm giác này giảm đi đáng kể sau 10 ngày. Đừng ngại ngần chia sẻ và nhờ sự trợ giúp từ chồng và các thành viên trong gia đình trong việc chăm sóc con. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ, bạn sẽ sớm trở lại bình thường.

Cẩm Nang Lần Đầu Làm Mẹ & Nuôi con

Vụ sức khỏe bà mẹ - trẻ em Việt nam