banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

31/07/2008

Tiêu chảy cấp nguy hiểm

Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe Tp.HCM
Trung tâm y tế dự phòng Tp.HCM

Hiện nay tiêu chảy cấp nguy hiểm đang lây lan nhanh và gây dịch ở nhiều tỉnh thành, một số trường hợp tiêu chảy cấp là do vi khuẩn tả gây bệnh. Bệnh tả khởi phát nhanh trong vòng vài giờ đến 5 ngày sau khi sử dụng thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn.

Tiêu chảy cấp là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá, rất nguy hiểm vì lây lan nhanh, gây dịch lớn, tử vong cao.

Nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cấp là do

  1. Uống nước bị nhiễm khuẩn từ nguồn cung cấp (nước giếng…) hoặc trong lúc dự trữ cũng như uống nước đá sản xuất từ nước nhiễm khuẩn.
  2. Ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn từ nguồn cung cấp hoặc trong lúc nấu ăn cũng như trong khi bảo quản.
  3. Ăn hải sản (sò, ốc,…) sống hoặc chế biến không kỹ.
  4. Ăn rau quả sống hoặc chế biến không kỹ lấy từ nguồn rau có bón phân tươi hay tưới nước bị nhiễm khuẩn.

Các triệu chứng chủ yếu của bệnh tả

  1. Sôi bụng, không sốt.
  2. Nôn mửa nhiều và đi tiêu liên tục, phân tóe nước.

Tính chất của phân

  1. Phân toàn nước.
  2. Mùi rất tanh.
  3. Màu trắng đục như nước vo gạo.
  4. Đi tiêu có thể đến 20 -30 lần trong ngày.

Diễn tiến bệnh

Có thể mất nước nặng, bệnh nhân rất khát nước, mắt lõm sâu, người mệt lã dẫn đến lơ mơ, trụy mạch, hôn mê rất dễ tử vong nếu không điều trị kịp thời.

4 biện pháp phòng bệnh tiêu chảy cấp

1. Ăn chín – Uống sôi


Ăn chín
- Nấu chín thật kỹ thực phẩm: cá, thịt, rau…
- Không ăn thức ăn sống như mắm tôm, rau sống, nem chua, gỏi cá, tiết canh…
- Không ăn hàng rong, hàng quán lề đường mất vệ sinh.

Uống sôi: Nấu kỹ nước để uống: nước sôi sục trong ít nhất 1 phút.

Sử dụng nguồn nước được tiệt trùng

Diệt trùng nước nghi ngờ bị nhiễm khuẩn (nước sông, nước giếng…)

- Hòa tan 1 viên Cloramin (0,25mg) trong 25 lít nước, sử dụng sau 30 phút.

- Hoặc hòa tan 10g Cloramine B bột (1 muỗng canh) trong 1 mét khối nước (1000 lít), sử dụng sau 30 phút.

- Bảo quản tốt nguồn nước sau tiệt trùng: đậy kín và dùng gáo múc nước có cán dài để múc nước

2. Rửa tay sạch

Thường xuyên rửa tay thật kỹ bằng nước và xà phòng:

- Rửa tay trước khi ăn, cho con ăn.
- Rửa tay sau khi đi tiêu, vệ sinh cho trẻ.
- Rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và dọn thức ăn.
- Rửa tay mỗi khi nghi ngờ bàn tay nhiễm bẩn.

Rửa tay đúng cách:

- Bao giờ cũng dùng xà phòng.
- Dùng nhiều nước.
- Rửa mọi chỗ của tay, lòng bàn tay, mu bàn tay, ngón tay, kẽ tay và móng tay.

Rửa tay trước khi đun nấu và dọn thức ăn.

Rửa sạch chén bát, đũa nĩa, dụng cụ nấu ăn bằng nước và xà phòng, tất cả được phơi khô.

3. Vệ sinh môi trường

Không dùng phân tươi để bón rau.
Không đổ phân, chất thải, đồ dùng của người bệnh ra môi trường, kênh rạch, ao hồ.
Giữ cầu tiêu sạch:

- Dùng nhiều nước và xà phòng để làm sạch nhà vệ sinh.
- Khử trùng cầu tiêu bằng Cloramin B 2% hay nước Javel ngay sau khi có người bệnh tiêu chảy đi tiêu. Ngoài ra có thể đến trạm y tế phường xã để được hướng dẫn cụ thể thêm.

Vệ sinh nhà cửa mỗi ngày:

- Lau nhà và các vật dụng dễ nhiễm bẩn mỗi ngày bằng nước và xà phòng
- Khử trùng nhà cửa, vật dụng, đồ dùng… khi nhà có người mắc bệnh tiêu chảy cấp.
- Diệt ruồi triệt để ở nơi có nhiều ruồi.

4. Khi mắc bệnh tiêu chảy

Hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Sử dụng ngay dung dịch Oresol (ORS) để bù nước mỗi khi mắc tiêu chảy.

“Ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch, sử dụng nguồn nước đã được diệt khuẩn để bảo vệ bạn và gia đình khỏi bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm “