banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

22/03/2016

Hiệu quả của progesteron và progestin trong phòng ngừa sinh non

Ds Thân Thị Mỹ Linh – Khoa Dược
(lược dịch)

 

1. Gánh nặng của non sinh và những thách thức trong phòng chống

   Sinh non xảy ra khi trẻ được sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Khoảng 70% các ca sinh non xảy ra một cách tự nhiên, 30% các ca sinh non còn lại có thể do các quyết định y khoa và là kết quả của các  bệnh lý  trên người mẹ hoặc trên thai nhi (ví dụ: tiền sản giật, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, nhau thai tiền đạo…).

   Tỷ lệ sinh non ở Hoa Kỳ đã tăng hàng năm từ 9,4% năm 1980 lên đỉnh điểm 12,8% vào năm 2006. Gần đây tỷ lệ này đã giảm và đến năm 2013 là 11,4% . Sinh non là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ sơ sinh và khuyết tật về thần kinh ở trẻ em với gánh nặng lên tới 26 tỷ USD cho hệ thống y tế Mỹ mỗi năm.

   Yếu tố nguy cơ sinh non bao gồm: tiền sử sinh non trước đó, người Mỹ gốc Phi, chảy máu âm đạo, chỉ số khối cơ thể thấp, đa thai, nhiễm trùng đường sinh dục... Những khó chịu thường gặp trong quá trình mang thai như đau lưng nhưng không đau vùng chậu cũng có thể là dấu hiệu của một cơn co tử cung. Nhận biết các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu và triệu chứng của sinh non rất quan trọng để phòng ngừa và điều trị kịp thời.

2. Phân loại progestogen

   Progestogen là 1 trong 5 loại hormone steroid. Progestogen tự nhiên và tổng hợp: progestogen chia thành 2 nhóm, nhóm ngoại sinh (progestin) và nhóm nội sinh (progesteron).

   Dược động học: progestogen gắn kết và kích hoạt các thụ thể progesteron. Hoạt động này giúp tử cung không hoạt động và ức chế quá trình chín của cổ tử cung, do đó ngăn ngừa được sinh non.

   Progesteron: Vào đầu thai kỳ, progesteron được sản xuất bởi hoàng thể để duy trì thai nhi trong tam cá nguyệt đầu tiên cho đến khi có nhau thai. Ở giai đoạn sau, progesteron điều chỉnh các phản ứng miễn dịch bằng cách giảm sản xuất các cytokine tiền viêm và giãn cơ trơn, ngăn chặn hoạt động của oxytocin và ức chế sự hình thành của phản ứng kích hoạt co cơ trơn tử cung. Progesteron cũng ngăn cản quá trình tự hủy của tế bào màng bào thai.

   Progestin: 17 hydroxyprogesteron caproat (17OHPC) là một progestin tổng hợp, đó là một dẫn xuất của hormon tự nhiên - 17 hydroxyprogesteron. Thuốc chuyển hóa qua gan do đó tránh sử dụng cho bệnh nhân có bệnh lý gan nặng. Tác dụng chính của nó chủ yếu lên cổ tử cung bằng cách trì hoãn sự suy giảm collagen và giảm sản sinh chất tiền viêm interleukin-1b. Không giống như progesteron, 17OHPC chưa thấy có bất kỳ tác dụng trực tiếp trên tế bào cơ tử cung và nội mạc tử cung.

3. Khuyến cáo sử dụng progestogen

   Progestogen được khuyến cáo để phòng ngừa sinh non tự phát PTB trong 2 nhóm phụ nữ: phụ nữ có tiền sử sinh non tự phát trước đó và phụ nữ có cổ tử cung ngắn (< 20mm) trong tam cá nguyệt giữa.

Tình trạng lâm sàng

Chỉ định bổ sung

Lưu ý

Đơn thai, tiền sử sinh non tự phát

17OHPC 250 mg tiêm bắp mỗi tuần, bắt đầu từ 16-20 tuần cho đến 36 tuần

Đo chiều dài cổ tử cung từ tuần 18 

Cân nhắc khâu eo CTC nếu chiều dài cổ tử cung ít hơn 25 mm

Đơn thai, không có tiền sử sinh non tự phát, cổ tử cung ngắn (< 20mm)

Sử dụng progesterone đường âm đạo cho đến 36 tuần

Có thể dùng dạng gel hoặc viên đặt âm đạo

Đơn thai, tiền sử đa thai có sinh non tự phát

Cân nhắc

17OHPC 250 mg tiêm bắp mỗi tuần, bắt đầu từ 16-20 tuần cho đến 36 tuần

Đo chiều dài cổ tử cung từ tuần 18

Đa thai, có tiền sử sinh non tự phát

Cân nhắc

17OHP 250 mg tiêm bắp mỗi tuần, bắt đầu từ 16-20 tuần cho đến 36 tuần

Đa thai, không có tiền sử sinh non tự phát, chiều dài cổ tử cung bình thường

Không

Không sử dụng progesteron

 

Đa thai, không có tiền sử sinh non tự phát, cổ tử cung ngắn

Cân nhắc

Sử dụng progesterone đường âm đạo cho đến 36 tuần

Có thể dùng dạng gel hoặc viên đặt âm đạo

Thai non tháng hoặc chuyển dạ sớm

Không

Không sử dụng progesteron

 

Phụ nữ có tiền sử  sinh non tự phát

   17OHPC được chấp thuận để dự phòng sinh non tự phát ở những phụ nữ đơn thai có tiền sử sinh non tự phát từ 16 tuần đến 36 tuần 6 ngày. Nó đã được chứng minh giảm nguy cơ sinh non tái diễn từ 30% đến 40%.

   17OHPC cũng liên quan với giảm nguy cơ xuất huyết não thất và viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh.

   Có rất ít dữ liệu chứng minh lợi ích của việc bổ sung 17OHPC để phòng ngừa sinh non tự phát cho những phụ nữ đa thai không có tiền sử sinh non tự phát và những phụ nữ đa thai có tiền sử sinh non tự phát.

   Thử nghiệm ngẫu nhiên đã không chứng minh được lợi ích của 17OHPC cho nhựng phụ nữ mang thai có các tình trạng : đa thai,  thai non tháng hoặc cổ tử cung ngắn.

Phụ nữ có cổ tử cung ngắn (<20 mm) trong tam cá nguyệt giữa

   Mặc dù không được FDA phê chuẩn, việc sử dụng progesterone đường âm đạo được khuyến khích để giảm nguy cơ sinh non tự phát ở phụ nữ mang thai có chiều dài cổ tử cung ngắn (<20 mm) được xác định bằng siêu âm qua ngã âm đạo giữa tuần thứ 16 và tuần thứ 26 ở những phụ nữ không có tiền sử sinh non tự phát.

   Chưa có lợi ích rõ ràng và cũng chưa có tác hại rõ rệt của việc sử dụng progesteron đường âm đạo  có những thai phụ có cổ tử cung ngắn.

Chỉ định progestogen trong dự phòng sinh non

   17OHPC với liều 250 mg tiêm bắp 1 lần/tuần; bắt đầu từ tuần 16 – 21 của thai kỳ cho đến tuần 36.

   Progesterone dạng tự nhiên nên được dùng đường âm đạo. Đường dùng này giúp tăng khả dụng sinh học vào tử cung và cổ tử cung bằng cách tránh chuyển hóa lần đầu qua gan. Dạng gel có chứa 90 mg progesterone vi tinh thể, thuốc viên đặt âm đạo chứa 100- và 200 mg progesterone vi tinh thể.

   Bổ sung progesterone bằng đường uống, mặc dù được sử dụng trong các liệu pháp hỗ trợ sinh sản nhưng không sử dụng để phòng ngừa sinh non trong sản khoa.

Kết luận

   Progestogen đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa sinh non tự phát trong 2 nhóm phụ nữ: phụ nữ có tiền sử sinh non đơn thai tự phát và phụ nữ có cổ tử cung ngắn trong tam cá nguyệt giữa.

Tài liệu tham khảo

http://www.medscape.org/viewarticle/853587