banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Có thai sau khi chích rubella

Hỏi - 26/03/2013
Thưa bác sĩ!

Em năm nay 26 tuổi, mới kết hôn được 5 tháng. Ngày 10/1/2013 tôi bị thai lưu và bỏ thai bằng phương pháp uống thuốc. Đến ngày 28/01/2013 tôi chích ngừa thủy đậu. Ngày 15/02/2013 tôi có kinh lại sau khi bị thai lưu. Ngày 26/02/2013 em đi khám tiền sản và làm xét nghiệm Pap kết quả bình thường và ngày này em chích ngừa Rubella 3 trong 1. Đến ngày 24/3/2013 em đi khám và kết quả có thai, siêu âm bác sĩ kết luận có một túi thai D=3mm, phát hiện thai ở giai đoạn sớm (túi thai giả), cho làm xét nghiệm HCG và kết luận em đã có thai. Em đang rất hoang mang, liệu có nên giữ con lại ko, vì em chích ngừa rubella chưa được một tháng đã có thai. Và em mới bị thai lưu cách đây hai tháng giờ phá thai liệu có ảnh hưởng đến khả năng có con của em sau này không? Hồi còn nhỏ em có bị sởi rồi, và năm 2011 em có bị sốt phát ban. Như vậy, có thể kết luận được là em đã có kháng thể rubell trước khi chích ngừa rubella rồi không ạ? Và như vậy chích ngừa rubella sẽ không ảnh hưởng gì, và thai của em sẽ không bị nhiễm rubella nữa? Như vậy em có thể yên tâm giữ con lại được không ạ? Em mong nhận được hồi âm sớm của bác sĩ vì em đang rất lo lắng. Em cảm ơn bác sĩ ạ.

Trả lời

Chào em

- Sau tiêm ngừa vacxin rubella, thông thường em sẽ được tư vấn nên ngừa thai 3 tháng. Đó là khoảng thời gian được cho là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có nhiều trường hợp bị “vỡ kế hoạch”, nghĩa là mang thai sau khi tiêm ngừa chưa đến 3 tháng. Rất may là các nghiên cứu trước đây đều cho thấy nguy cơ thai nhi bị ảnh hưởng không hề tăng ở những thai kỳ này so với những phụ nữ mang thai khác. Do đó, không có chỉ định chấm dứt thai kỳ đối với những trường hợp như em. Em có thể yên tâm về vấn đề rubella của thai kỳ này.  Em sẽ đi khám thai theo hẹn để được tham gia tầm soát trước sinh như mọi phụ nữ mang thai khác.

- Về lý thuyết, phá thai ngoài ý muốn hoặc sau thai lưu có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt cũng như khả năng có con sau này với mức độ khác nhau, từ rất nhẹ (rối loạn kinh nguyệt ít) đến rất nặng (như vô sinh).

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ