banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

19/03/2019

Ngài Quốc Vụ Khanh Ireland tham quan dự án ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ

CN. Nguyễn Thị Minh Tâm

Ngày 19/3/2019, ngài Patrick O’Donovan - Quốc vụ khanh Bộ Tài chính - Chi tiêu công và Cải cách Ireland đã đến thăm và tham gia vận hành thử nghiệm Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ, trước khi chính thức hoạt động vào ngày 10/4/2019. Quốc vụ khanh O’Donovan đã gặp và nói chuyện với các bà mẹ tham gia hiến tặng sữa đầu tiên, đồng thời cùng Ban lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ, đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Alive & Thrive nhấn nút vận hành hệ thống thanh trùng sữa mẹ của Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ.

 

Là bệnh viện sản – phụ khoa đầu ngành của khu vực phía Nam, từ Đà Nẵng đến Cà Mau, hàng năm Bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận gần 1.100.000 lượt khám chữa bệnh, 70.000 ca sinh, trong đó có hơn 40% bệnh nhân với nhiều bệnh lý sản – phụ khoa phức tạp được chuyển đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước; cũng là bệnh viện tuyến cuối chăm sóc và điều trị cho khoảng 25 % trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân, bệnh lý – những bệnh nhi đặc biệt cần nguồn sữa mẹ.

Từ kinh nghiệm xây dựng và đưa vào hoạt động một cách hiệu quả của Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Bệnh viện Sản – Nhi thành phố Đà Nẵng – khu vực miền Trung, với sự hỗ trợ  về kỹ thuật của Tổ chức Alive & Thrive cùng với sự tài trợ của Cơ quan viện trợ Ireland, Đề án Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ – ngân hàng sữa mẹ thứ hai của Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và khu  vực phía Nam đã khởi động từ năm 2017.

 Quá trình từ ý tưởng đến lập kế hoạch và xin chủ trương, đề án xây dựng Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ  được sự ủng hộ của Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM, sự đóng góp ý kiến của các tổ chức y tế quốc tế phi chính phủ PATH và UNICEF tại Việt Nam, đặc biệt là sự đồng hành và sự hỗ trợ rất tích cực về kỹ thuật của các chuyên gia thuộc Tổ chức FHI360 (Alive & Thrive) trong suốt thời gian triển khai đề án: khảo sát, đánh giá năng lực, tính khả thi, trình độ của đội ngũ nhân viên y tế trong công tác tiếp nhận và ứng dụng các kỹ thuật sàng lọc, kiểm chuẩn, thanh trùng, nguồn sữa mẹ được hiến tặng…., đồng thời khẩn trương chuẩn bị cơ sở, trang thiết bị, huấn luyện kỹ thuật và quy trình hoạt động của thiết bị theo chuẩn mực quốc tế của ngân hàng sữa mẹ, công tác truyền thông cho đội nhân viên y tế…..

 

 

 

 

Alive & Thrive bắt  đầu hợp tác cùng Bệnh viện Từ Dũ thành lập ngân hàng sữa mẹ  từ năm 2017 với sự tài trợ của Cơ quan viện trợ Ireland. Ngoài việc trang bị cho Bệnh viện Từ Dũ hai máy thanh trùng từ nguồn tài trợ của Chính phủ Ireland, Alive & Thrive cũng đang hỗ trợ Bệnh viện Từ Dũ đạt hanh hiệu Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc do Bộ Y tế công nhận.

Được biết, từ năm 2014 các hoạt động của Alive & Thrive đã được sự hỗ trợ của Cơ quan viện trợ Ireland (Iris Aid), cho các chương trình vận động chính sách nhằm thúc đẩy thực hành nuôi con bằng sữa mẹ như: cấm tiếp thị sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 6 tháng. Thông qua Alive&Thrive, từ năm 2017, Cơ quan viện trợ Ireland đã tài trợ mỗi năm 650.000 euros để thực hiện dự án ngân hàng sữa mẹ tại 4 nước khu vực Đông Nam Á, tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện và hoàn thiện kỹ năng hướng dẫn sản phụ cho con bú mẹ ngay từ khi vừa chào đời.

Phát biểu trong chuyến tham quan Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ và gặp gỡ Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đại diện Sở Y tế TP HCM, và Alive & Thrive, ngài Patrick O’Donovan - Quốc vụ khanh Bộ Tài chính - Chi tiêu công và Cải cách Ireland đã bày tỏ sự trân trọng về những nỗ lực của tập thể Bệnh viện Từ Dũ trong việc đảm bảo chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người dân, với số lượng trẻ được sinh ra một năm tại bệnh viện bằng tổng số trẻ được sinh ra trong cả nước Ireland (năm 2017 = 62.053 trẻ), đồng thời với việc triển khai, hoàn thành đề án và đưa vào hoạt động Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Tử Dũ đúng với tiến độ đề ra. Điều này đã chứng tỏ sự quan tâm và trách nhiệm của đội ngũ y bác sỹ dành cho các bà mẹ và trẻ em được sinh ra tại Bệnh viện Từ Dũ, là điều kiện thuận lợi để văn hóa nuôi con bằng chính nguồn sữa mẹ trong những năm tháng đầu đời, sẽ ngày càng lan tỏa rộng khắp.