banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

13/01/2021

Phẫu thuật nội soi điều trị thai bám ở sẹo mổ lấy thai tại bệnh viện Từ Dũ: hiệu quả cao - an toàn- thẩm mỹ và ít đau

Vừa qua, các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ đã phẫu thuật thành công bảo tồn tử cung cho một trường hợp thai bám sẹo mổ lấy thai có nhóm máu hiếm (nhóm máu O Rhesus âm)

Đây là một trường hợp bệnh nhân 30 tuổi, đã có 2 lần mổ lấy thai trước đây. Lần gần nhất bệnh nhân mổ lấy thai vào tháng 4 năm 2020. Sau mổ 6 tháng bệnh nhân có thai lại do vỡ kế hoạch. Ngày 01/12/2020 bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán: Thai 8 tuần bám sẹo mổ lấy thai, vết mổ lấy thai mới 7 tháng.

Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đang bị ra huyết âm đạo không nhiều, nhưng nồng độ HCG (một hormone do bánh nhau tiết ra) rất cao. Đây là một tình trạng bệnh lý có nguy cơ chảy máu ồ ạt khó kiểm soát, có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nếu mất máu quá nhiều, cộng thêm yếu tố bệnh nhân có nhóm máu hiếm sẽ rất khó khăn khi phải truyền máu số lượng lớn, do đó bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy khối thai. Để giảm đau sau mổ, giúp người bệnh nhanh chóng xuất viện và hồi phục sức khỏe, khoa Nội soi - bệnh viện Từ Dũ đã quyết định thực hiện nội soi lấy thai. Với sự chuẩn bị kỹ càng về phương tiện, dụng cụ, thuốc, máu...ca phẫu thuật diễn ra rất thuận lợi. Nhờ kinh nghiệm qua rất nhiều ca mổ của kíp phẫu thuật, bệnh nhân không cần phải truyền máu. Tử cung của người phụ nữ trẻ được giữ lại mà không cần cắt bỏ. Hơn nữa, vì không mất nhiều máu khi mổ, người bệnh nhanh chóng được quay trở lại với sinh hoạt bình thường.

Bệnh lý thai bám ở sẹo mổ lấy thai là một bệnh lý không mới, tuy nhiên tần suất bệnh đã tăng đáng kể trong những năm gần đây do số lượng bệnh nhân mổ lấy thai tăng.

Bệnh viện Từ Dũ là cơ sở tiếp nhận và điều trị cho phần lớn các bệnh nhân thai bám sẹo mổ ở khu vực phía nam và con số này tăng lên rõ rệt qua các năm. Năm 2012 có 287 trường hợp điều trị thai bám sẹo mổ cũ ở bệnh viện Từ Dũ, tăng lên 827 trường hợp năm 2014, 949 trường hợp năm 2016, năm 2017 bệnh viện điều trị cho1358 trường hợp và trong giai đoạn 2018 đến 4/2019 ghi nhận có đến 2295 trường hợp.

Bác sĩ Lê Ngọc Diệp - khoa Nội soi - bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Trên thế giới có nhiều phương pháp điều trị thai bám sẹo mổ lấy thai và đã được bệnh viện nghiên cứu, áp dụng để mang lại hiệu quả tốt nhất cho người bệnh. Trong đó, phẫu thuật nội soi là một phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, lấy được toàn bộ khối thai, kiểm soát mất máu, sửa lại sẹo mổ cũ và giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, giảm đau cũng như giảm nguy cơ nhiễm trùng sau mổ”.

Mặc dù phẫu thuật nội soi là một phương pháp mà phẫu thuật viên cần được đào tạo và thực hành trong thời gian dài, bệnh viện Từ Dũ với bề dày kinh nghiệm 30 năm phẫu thuật nội soi đã đào tạo và áp dụng nhuần nhuyễn phương pháp này trong điều trị bệnh lý thai bám ở sẹo mổ lấy thai. Theo thống kê tại BV Từ Dũ cho thấy gần như không có tai biến xảy ra trong quá trình phẫu thuật cũng như sau mổ.

Thai bám ở sẹo mổ lấy thai là gì?

Bình thường túi thai phát triển trong buồng tử cung. Ở những phụ nữ có vết mổ trên cơ tử cung, cụ thể là sau phẫu thuật mổ lấy thai, sẽ có nguy cơ túi thai bám lên vị trí vết mổ. Vị trí này bị xơ sẹo và có nhiều khiếm khuyết so với những vị trí bình thường của buồng tử cung. Do đó, khi túi thai phát triển ở đây, nó có nguy cơ vỡ gây chảy máu ồ ạt, có thể nguy hiểm đến tính mạng của người phụ nữ. Nguy cơ thai bám sẹo mổ càng tăng nếu số lần mổ lấy thai càng nhiều.

Hình minh họa

Song hành với sự gia tăng của chỉ định mổ lấy thai trên toàn thế giới, ngày càng có nhiều trường hợp thai bám ở sẹo mổ lấy thai được chẩn đoán và báo cáo.

Dưới đây là lời khuyên của bác sĩ dành cho các phụ nữ có bệnh lý đặc biệt này.

Tôi nên làm gì khi có sẹo mổ lấy thai?

Khi đã có sẹo mổ lấy thai, bạn không thể dự phòng được bệnh lý này do không có biện pháp can thiệp nào làm thay đổi vị trí làm tổ của khối thai.

Có một số lời khuyên dành cho bạn như sau:

  • Nên ngừa thai ít nhất 6 tháng sau mổ lấy thai.
  • Khi trễ kinh hoặc nghi ngờ có thai, bạn nên đến bệnh viện khám ngay để xác nhận vị trí khối thai. Phát hiện bệnh sớm sẽ góp phần giảm gánh nặng điều trị.
  • Khi quyết định thực hiện việc nạo hút thai, uống thuốc phá thai... (do thai ngoài ý muốn hay do thai lưu, thai bệnh lý), nếu thai phụ đã từng có mổ lấy thai, cần được khảo sát cẩn thận về việc thai có bám vào sẹo mổ cũ hay không, tránh nguy cơ bị băng huyết do can thiệp không phù hợp.
  • Nên sinh thường (ngã âm đạo) khi không có chỉ định mổ lấy thai.

 

Tổng hợp và biên soạn:

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương