11/12/2020

U buồng trứng xoắn

BS. Nguyễn Châu Trí

U buồng trứng xoắn là một cấp cứu phụ khoa thường gặp, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Chẩn đoán và can thiệp sớm giúp bảo tồn khả năng sinh sản của phụ nữ.

Xoắn buồng trứng là tình trạng xảy ra khi buồng trứng bị xoắn quanh dây chằng giữ nó đúng vị trí. Hiện tượng xoắn này làm cắt đứt lưu lượng máu đến buồng trứng và ống dẫn trứng. Xoắn buồng trứng gây đau dữ dội và các triệu chứng khác vì buồng trứng không nhận đủ máu nuôi. Nếu việc hạn chế máu tiếp tục quá lâu, nó có thể dẫn đến chết mô buồng trứng.

 

Dấu hiệu:

Các triệu chứng của xoắn buồng trứng có thể bao gồm:

. Khối u buồng trứng

. Đau vùng chậu dữ dội hoặc chỉ đau lâm râm

. Buồn nôn

. Nôn

. Sốt

Tuy nhiên, chẩn đoán xoắn buồng trứng có thể khó khăn vì các triệu chứng tương tự như sỏi thận, viêm ruột thừa, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm dạ dày ruột và các tình trạng khác.

Nguyên nhân:

Thường xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ ở mọi lứa tuổi, đều có thể bị xoắn buồng trứng.

Trọng lượng hoặc kích thước u buồng trứng càng lớn càng dễ xoắn.

Một nguyên nhân phổ biến khác là dây chằng buồng trứng, nối buồng trứng với tử cung, dài hơn bình thường. Một dây chằng buồng trứng dài làm cho buồng trứng có nhiều khả năng bị xoắn.

Phụ nữ đang được điều trị hiếm muộn với việc sử dụng các nội tiết có nguy cơ xoắn buồng trứng.

Phụ nữ mang thai vẫn có thể bị xoắn buồng trứng. Trong ba tháng đầu tiên, phụ nữ có thể bị u nang hoàng thể khiến buồng trứng bị xoắn. Nồng độ hormone cao hơn trong thai kỳ cũng có thể làm giãn các mô trong cơ thể, bao gồm cả dây chằng giữ buồng trứng tại chỗ. Nếu dây chằng không căng, chúng có thể dễ bị xoắn hơn.

Điều trị:

Phẫu thuật là cách duy nhất để tháo xoắn buồng trứng. Bác sĩ cũng có thể kê toa thuốc để giảm đau và buồn nôn cho thoải mái trước khi phẫu thuật.

Buồng trứng khi bị xoắn sẽ dẫn đến hạn chế lưu lượng máu đến nuôi, nếu kéo dài quá lâu, mô buồng trứng sẽ bị hoại tử, bác sĩ phẫu thuật buộc phải cắt bỏ buồng trứng.  Vì vậy, cần phẫu thuật để thóa xoắn khối u, giúp bảo tồn lại buồng trứng.

Hình: Khối u buồng trứng bị hoại tử tím đen

Sau phẫu thuật, người bệnh có thể trở về nhà vài ngày sau khi làm thủ thuật xoắn buồng trứng. Tuy nhiên, có thể cần tiếp tục theo dõi buồng trứng để đảm bảo rằng nó có đủ lưu lượng máu để "sống" sau khi xoắn buồng trứng. Nếu nó có dấu hiệu chết mô, bác sĩ có thể phải cắt bỏ buồng trứng vào một ngày sau đó.

Khuyến nghị chăm sóc theo dõi: tránh nâng vật nặng hoặc hoạt động thể chất cường độ cao trong một vài tuần.

Bác sĩ có thể giúp giảm đau bằng cách dùng ibuprofen hoặc acetaminophen.

Bệnh nhân nên báo các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc biến chứng khác cho bác sĩ càng sớm càng tốt. Dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm:

. Sốt

. Đỏ và viêm tại các vị trí vết mổ, vết thương không lành

. Đau vùng chậu tăng

Hình: Buồng trứng còn hồng sau tháo xoắn

U buồng trứng xoắn và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (ART)

Phụ nữ hỗ trợ sinh sản có nguy cơ bị xoắn buồng trứng cao. Nguy cơ tăng cao thường là do các hormone cần thiết cho thụ tinh trong ống nghiệm hoặc kích thích rụng trứng. Những hormone này có thể khiến buồng trứng to ra, phát triển nhiều u nang. Mặc dù các nang này không phải là 1 khối u thật sự nhưng chúng vẫn có thể làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng.

Biến chứng

Biến chứng có thể xảy ra của xoắn buồng trứng là hoại tử. Hoại tử buồng trứng do thiếu máu nuôi mô buồng trứng. Khi đó, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng nếu điều này xảy vì nguy cơ bị nhiễm trùng buồng trứng có thể gây áp xe hoặc viêm phúc mạc.

Sau phẫu thuật xoắn buồng trứng cần hẹn tái khám theo dõi để đảm bảo buồng trứng được chữa lành, phục hồi tốt.

Khi nào chị em phụ nữ cần đến khám bác sĩ?

Hãy đi khám ngay nếu chị em phụ nữ có bất kỳ triệu chứng nào của xoắn buồng trứng, gồm có:

. Khối u buồng trứng

. Đau vùng chậu nhiều, có cơn đau rõ

. Buồn nôn

. Nôn

. Sốt

Để chẩn đoán xoắn buồng trứng, bác sĩ có thể cần sử dụng các xét nghiệm sau:

. Siêu âm ngã âm đạo: đưa một đầu dò siêu âm nhỏ vào âm đạo.

. Siêu âm bụng, sử dụng đầu dò siêu âm ở bên ngoài bụng.

. Các xét nghiệm hình ảnh khác, chẳng hạn như chụp CT hoặc MRI.

. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu đo số lượng tế bào bạch cầu trong cơ thể.

Tuy nhiên, bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật để chẩn đoán xác định xoắn buồng trứng.

Tài liệu tham khảo: