30/06/2014

Y học sàn chậu

BS.CK2. Nguyễn Thị Vĩnh Thành
Phòng khám – BV Từ Dũ

1.  Sàn chậu nữ là gì?

Sàn chậu được ví như một cái võng hình thành từ nhiều khối cân và cơ đan xen nhau, khối cân và cơ này bám chắc vào phía trước là thành bụng và xương mu, hai bên là xương chậu hông, phía sau là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt.

Sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống: hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống mạch máu và thần kinh.

Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động chạy nhảy.

Sàn chậu còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sanh dễ dàng hơn. Ba hệ thống này hoạt động hài hòa nhịp nhàng với nhau, hệ thống này nhường nhịn hệ thống kia theo sự điều khiển chủ động của con người.

2.  Rối loạn chức năng sàn chậu là gì?

Theo thống kê, cứ 3 phụ nữ đã từng mang thai và sinh đẻ, có một người bị són tiểu. Gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu, trong đó cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên (sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng).

Nguyên nhân của rối loạn chức năng sàn chậu và sa cơ quan vùng chậu là do mang thai, thói quen xấu, suy yếu sức cơ theo tuổi.. 

Những biểu hiện sau gọi là rối loạn chức năng sàn chậu, hãy xem bạn có những biểu hiện nào sau đây

a. Đường tiểu:

- Són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng

- Không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu

- Tiểu đêm > 1 lần

- Tăng hay giảm cảm giác mắc tiểu, tiểu lắt nhắt > 8 lần/ngày

- Tiểu khó phải rặn.

- Cảm giác đi tiểu không hết

b.Đi tiêu:

- Són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy

- Không giữ được theo ý muốn khi mắc xì hơi hoặc mắc đi tiêu

- Táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm hoặc thuốc uống

c. Đường sinh dục

- Sa tử cung.

- Sa bàng quang.

- Sa trực tràng, ruột.

d. Rối loạn tình dục

- Giao hợp đau

- Giảm cảm giác

- Cảm giác cửa mình rộng.

e. Đau vùng chậu mãn tính

- Đau vùng thắt lưng chậu.

- Đau vùng bụng dưới, vùng cửa mình

3. Đánh giá cơ sàn chậu như thế nào?

Bạn sẽ được lập hồ sơ Đánh giá chức năng sàn chậu, gồm hỏi bệnh và thăm khám, mất khoảng 45 phút, tùy tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt như:

- Siêu âm bụng ( bạn cần nhịn tiểu hoặc hơi mắc tiểu) đánh giá độ nâng và giữ của cơ sàn chậu, mất 15 phút.

- Đo điện cơ sàn chậu, 15 phút

- Hướng dẫn ghi nhật ký đi tiểu trong 2 ngày.

- Xét nghiệm nước tiểu.

- Đo niệu động học, 30 phút.

- MRI động vùng bụng chậu, khi sa tạng có kèm biểu hiện táo bón kéo dài.

- Siêu âm cơ thắt hậu môn

Tùy mức độ bệnh lý, bạn sẽ được tư vấn điều trị, hoặc nội khoa với vật lý trị liệu hoặc phải phẫu thuật.

4. Điều trị rối loạn chức năng sàn chậu?

- Điều trị ban đầu gồm;

  • Thay đổi thói quen sinh hoạt.
  • Tập luyện cơ sàn chậu theo bài tập hướng dẫn.
  • Tập luyên cơ sàn chậu với máy siêu âm, máy hướng dẫn tập hoặc kích thích điện cơ để nhận biết nhóm cơ cần tập.
  • Tập luyện vật lý trị liệu ruột, bàng quang để giúp kiểm soát tiêu tiểu.

- Điều trị thuốc khi có viêm nhiễm hoặc thiểu dưỡng âm đạo.

- Tư vấn sử dụng vòng nâng Pessary điều trị sa cơ quan vùng chậu, són tiểu.

- Chỉ định phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả.

 

5.  Những ai cần khám và tập luyện cơ sàn chậu?

-  Cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ.

- Mang thai là một tình trạng gây tăng áp lực ổ bụng, phụ nữ mang thai và sau sinh có biểu hiện són tiểu, són hơi, són phân, không giữ được tiêu tiểu theo ý muốn cần phải được tư vấn tập luyện cơ sàn chậu.

- Tình trạng thiếu nội tiết ở phụ nữ tuổi mãn kinh cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.

- Phụ nữ ở lứa tuổi từ 40 đến 60 có biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu và sa các cơ quan vùng chậu nên đi khám phụ khoa thường niên, và khám đánh giá rối loạn chức năng sàn chậu để được tư vấn và điều trị

6.  Lợi ích của tập luyện cơ sàn chậu

- Ngăn ngừa và điều trị hiệu quả 80% bệnh són tiểu, són hơi, són phân, mắc tiêu tiểu không cầm được, tiểu đêm. Giúp kiểm soát lại hoạt động tiêu tiểu theo ý muốn.

- Ngăn ngừa sa các tạng trong vùng chậu, gồm sa tử cung, bàng quang, trực tràng. Nếu đã sa thì ngăn ngừa không để sa nặng hơn.

- Ngăn ngừa và điều trị són tiểu són hơi són phân cho phụ nữ mang thai và sau sanh.

- Hỗ trợ chuyển dạ sinh dễ dàng hơn.

- Cải thiện, tăng cảm giác tình dục ở cả nữ và nam.

7.  Chương trình Tập luyện cơ sàn chậu

- Những bài tập thể dục theo hướng dẫn của chuyên viên.

  • Bài tập với bóng Điều trị són tiểu khi gắng sức.
  • Chương trình tập luyện dự phòng sa tạng chậu (sa bàng quang, sa tử cung, sa trực tràng)
  • Chương trình tập luyện sàn chậu trước và sau sanh

- Tập sàn chậu với máy tập hoặc qua siêu âm: được chỉ định bởi bác sĩ sau khi thăm khám.