banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

10/06/2011

Kế hoạch loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con

Ngày 9/6, trong chương trình của Hội nghị cấp cao Đại hội đồng Liên hợp  quốc về HIV/AIDS đang diễn ra tại New York, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban  Ki-moon đã phát động kế hoạch toàn cầu "Đếm ngược đến không" với mục tiêu loại trừ các ca lây nhiễm HIV mới từ mẹ sang con vào giữa thập kỷ tới và duy trì cuộc  sống của bà mẹ trong nỗ lực cứu hàng triệu người ở các nước đang phát triển. 

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh cộng đồng thế giới cần đảm bảo rằng tất cả trẻ  em sinh ra đều khoẻ mạnh và không bệnh tật, đồng thời đảm bảo các bà mẹ có thể sống để được nhìn thấy con họ lớn lên. Đây là nguyện vọng của những bà mẹ khắp các châu lục và thế giới cần biến nguyện vọng đó thành hiện thực.     

HIV/AIDS là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho các bà mẹ ở các nước đang  phát triển, song ở các nước phát triển, HIV/AIDS lại được coi là bệnh mãn tính  có thể điều trị. Trong năm 2009, trên thế giới khoảng 370.000 trẻ em bị nhiễm HIV ngay sau khi vừa mới ra đời và phần lớn trẻ em này ở châu Phi.

     
(Nguồn: Internet)

Theo Liên hợp quốc, trong thập kỷ qua, thế giới đã đạt được những tiến bộ  trong nỗ lực giảm bớt sự lây truyền HIV từ mẹ sang con với tỷ lệ lây truyền giảm 26% từ năm 2001 đến năm 2009.
     
Một số khu vực trên thế giới đã gần đạt được mục tiêu không còn lây truyền HIV từ mẹ sang con và thế giới cần hỗ trợ những khu vực khác đạt được mục tiêu này trong bối cảnh Chiến lược toàn cầu vì sức khoẻ phụ nữ và trẻ em với nguồn  kinh phí lên tới 40 tỷ USD được Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát động hồi năm ngoái.
     
Chương trình chung của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) khẳng định có thể hoàn toàn loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào năm 2015, nhưng để đạt  mục tiêu này vẫn còn rất nhiều việc phải làm để ngăn chặn nguy cơ người mẹ nhiễm HIV bị chết và trẻ sơ sinh bị lây truyền HIV.
     
Liên quan tới vấn đề này, phóng viên TTXVN tại Nam Phi dẫn thông báo của Ủy ban nghiên cứu y học nước này cho biết Nam Phi đã thực hiện tốt việc áp dụng "Chương trình chống lây nhiễm virút HIV từ mẹ sang con", với tỷ lệ ngăn chặn thành công lên tới 96,5%.
     
Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 31,4% số trẻ sơ sinh  có mẹ bị HIV được xác định là bị phơi nhiễm HIV, nhưng trên thực tế chỉ có 3,5%  là có phản ứng dương tính HIV. Ủy ban trên cho biết sẽ theo dõi số trẻ sơ sinh có phản ứng âm tính còn lại đến 18 tháng tuổi.

Từ năm 2010, Nam Phi đã đẩy mạnh các chiến dịch phòng chống HIV/AIDS trên toàn quốc, chi nhiều triệu USD để thực hiện các chiến dịch phòng chống HIV/AIDS, trong đó có việc áp dụng thử nghiệm các loại thuốc phòng chống lây nhiễm HIV mới từ mẹ sang con. Kết quả là Nam Phi đã hạn chế được tốc độ lây nhiễm HIV và giảm đáng kể số trường hợp lây nhiễm mới, nhất là trong các nhóm cộng đồng có nguy cơ  cao như gái mãi dâm, tiêm chích ma túy.
     
Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, hiện Nam Phi có khoảng 5,6 triệu người nhiễm HIV trong tổng số 50 triệu dân.

Theo Vietnamplus