banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

13/10/2010

Kiêng giao hợp ngắn ngày trước khi bơm tinh trùng làm tăng tỉ lệ có thai

BS. Cổ Phí Thị Ý Nhi, BS. Dương Khuê Tú
Khoa Hiếm Muộn - BV Từ Dũ

Kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng làm tăng khả năng có thai hơn so với giao hợp vào ngày rụng trứng. Xác  định thời điểm bơm tinh trùng càng gần với thời điểm rụng trứng và bơm một lượng tinh trùng lý tưởng vào buồng tử cung là các yếu tố quan trọng để đạt tỉ lệ thai cao nhất. Tổng số lượng tinh trùng di động dùng để bơm vào buồng tử  cung được xem là một yếu tố tiên lượng thụ thai sau bơm tinh trùng. 

Bên cạnh đó, khuyến cáo kiêng giao hợp 3 – 4 ngày trước khi lấy mẫu tinh trùng để bơm nhằm tạo ra lượng tinh trùng  di động tối đa trong mẫu xuất tinh trước khi bơm tinh trùng. Thời gian kiêng  giao hợp trên 4 ngày làm tăng mật độ tinh trùng nhưng giảm lượng tinh trùng di động. Hướng dẫn bệnh nhân kiêng giao hợp vào một thời điểm nhất định là một  công việc phức tạp vì không biết trước thời điểm trưởng thành nang noãn lý tưởng. Các cặp vợ chồng có thể không giao hợp trước khi lấy mẫu bơm tinh trùng vì họ không muốn làm giảm lượng tinh trùng di động trong mẫu xuất tinh trước  khi bơm.
   
Jurema và cộng sự báo cáo tỉ lệ thai sau bơm tinh trùng cao nhất nếu kiêng giao hợp ≤ 3 ngày. Trong nghiên cứu này, tỉ lệ thai sau bơm tinh trùng kiêng giao hợp ≤ 3 ngày không liên quan đến sự dao động về số tinh trùng di động trong mẫu bơm tinh trùng. Tỉ lệ thai lý tưởng nếu bơm tinh trùng vào khoảng 30 – 36 giờ sau tiêm hCG. Ngày và giờ tiêm hCG được xác định rõ, nhưng giao hợp vào ngày tiêm hCG có thể gây lo ngại về giảm số lượng tinh trùng di động trong mẫu bơm.

Bác sĩ Paul B. Marshburn và cộng sự thực hiện một nghiên cứu hồi cứu trên 866 chu kỳ bơm tinh trùng (372 cặp vô  sinh) từ 2003 – 2005 ở Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ Carolinas. Mục tiêu nghiên cứu là đánh giá ảnh hưởng của thời gian kiêng giao hợp lên tỉ lệ thai sau bơm tinh  trùng và xác định mối liên hệ giữa sự thụ thai sau những khoảng thời gian kiêng giao hợp khác nhau và lượng tinh trùng di động trong mẫu tinh trùng bơm. Loại trừ các trường hợp bơm tinh trùng hiến hoặc những trường hợp mẫu tinh trùng bơm không có tinh trùng di động hoặc hồ sơ bơm tinh trùng không hoàn tất. Nghiên cứu ghi nhận thời gian kiêng giao hợp trước khi bơm tinh trùng, các chỉ số đánh giá mẫu tinh trùng trước và sau lọc rửa, và tỉ lệ thai sau kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng. Các chu kỳ kích thích buồng trứng bao gồm sử dụng Clomiphene Citrate (84%) hoặc Gonadotropins (16%).

Kết quả cho thấy thời gian kiêng giao hợp 0 – 2 ngày trước bơm tinh trùng dẫn đến tăng tỉ lệ thai hơn so với  thời gian kiêng giao hợp trên 2 ngày (P < 0.02) mặc dù giữa các nhóm nghiên cứu (3 nhóm: kiêng giao hợp ≤ 2ngày, 2 – 5 ngày và > 5 ngày) không có sự  khác biệt thống kê về tuổi vợ, nguyên nhân vô sinh, phác đồ kích thích buồng  trứng, số chu kỳ có tinh trùng bình thường hoặc thiểu tinh). Có sự liên quan giữa tỉ lệ thai cao và thời gian kiêng giao hợp ≤ 2 ngày, mặc dù lượng tinh  trùng di động trong mẫu bơm của những trường hợp kiêng giao hợp ≤ 2 ngày ít hơn. Thời gian kiêng giao hợp tác động đáng kể lên các chỉ số của tinh dịch. Tăng thời gian kiêng giao hợp làm tăng thể tích xuất tinh, mật độ tinh trùng, lượng tinh trùng di động nhưng lại làm gia tăng số tinh trùng chết. 

Nghiên cứu của Paul B. Marshburn và cộng sự không chỉ định trước cho bệnh nhân  những khoảng kiêng giao hợp khác nhau và không ghi nhận thông tin về tần số xuất tinh trước giai đoạn kiêng giao hợp chuẩn bị bơm tinh trùng. Nghiên cứu cũng không xác định tỉ lệ tinh trùng hình dạng bình thường trong mẫu bơm. Tuy nhiên, những nghiên cứu khác cũng không cho rằng có ảnh hưởng của thời gian kiêng giao hợp lên hình dạng tinh trùng.

   
   Nguồn: http://images.google.com.vn/

Tóm lại mặc dù không có đủ dữ liệu để chỉ định tần số giao hợp lý tưởng trong một chu kỳ bơm tinh trùng, nghiên cứu  của Paul B. Marshburn và cộng sự đã một lần nữa khẳng định không có giới hạn nào về giao hợp trước khi bơm tinh trùng vào buồng tử cung để điều trị hiếm muộn.

Theo

Fertility and Sterility Vol. 93, No. 1, January 2010, 286-8