05/02/2023

Hỏi - đáp về sử dụng Bảo hiểm y tế

Khám thai có được hưởng BHYT không?

Đối với trường hợp người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám thai ngoại trú tại bệnh viện Từ Dũ, người bệnh vui lòng xuất trình thẻ BHYT kèm giấy chuyển tuyến hợp lệ thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT.

Mức hưởng trên thẻ BHYT của người bệnh có thể là 80%, 95% hoặc 100% tùy theo đối tượng được quy định tại Điều 22 Luật BHYT sửa đổi.

Trường hợp đi khám thai, thai phụ có BHYT nhưng không có giấy chuyển tuyến hợp lệ sẽ KHÔNG được quỹ BHYT thanh toán.

Khám phụ khoa có được hưởng BHYT không?

Đối với trường hợp người bệnh có thẻ BHYT đăng ký khám phụ khoa ngoại trú bệnh viện Từ Dũ, người bệnh vui lòng xuất trình thẻ BHYT kèm giấy chuyển tuyến hợp lệ thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng ghi trên thẻ BHYT.

Mức hưởng trên thẻ BHYT của người bệnh có thể là 80%, 95% hoặc 100% tùy theo đối tượng được quy định tại Điều 22 Luật BHYT sửa đổi.

Trường hợp đi khám phụ khoa, người bệnh có BHYT nhưng không có giấy chuyển tuyến hợp lệ sẽ KHÔNG được quỹ BHYT thanh toán.

Khám hiếm muộn có được hưởng BHYT không? Hạng mục nào tại khoa hiếm muộn em được nhận quyền lợi bảo hiểm y tế?

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, các trường hợp sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ là các trường hợp KHÔNG được hưởng BHYT.

Khám hiếm muộn là trường hợp sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nên sẽ không được hưởng BHYT và người bệnh sẽ phải tự thanh toán.

Khám kế hoạch gia đình có được hưởng BHYT không?

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, các trường hợp sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ là các trường hợp KHÔNG được hưởng BHYT.

Khám kế hoạch gia đình là trường hợp sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình nên không được hưởng BHYT và người bệnh sẽ phải tự thanh toán.

Khám tiền hôn nhân có được hưởng BHYT không?

Khám tiền hôn nhân là một trường hợp khám sức khỏe theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 nên KHÔNG thuộc phạm vi thanh toán của quỹ  BHYT và người bệnh sẽ phải tự thanh toán.

Khám bé có được hưởng BHYT không?

Khám bé tại bệnh viện Từ Dũ có 2 trường hợp:

- Trường hợp khám bé lành mạnh, dịch vụ theo yêu cầu thì sẽ không được hưởng BHYT.

- Trường hợp khám bé tại phòng khám trẻ có nguy cơ đối với các bé non tháng hoặc các bé có chỉ định của bác sĩ thể hiện trên giấy xuất viện thì sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí theo quy định.

Đi sanh có BHYT được hưởng bao nhiêu %?

Bất kỳ thai phụ nào đi sanh có thẻ BHYT đều được hưởng chi phí KCB BHYT đúng tuyến theo quy định là 100 % chi phí điều trị nội trú (áp dụng từ ngày 1-1-2021 theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014).

Nếu nhập viện có BHYT, có giấy chuyển viện và không có giấy chuyển viện thì khác nhau như thế nào? Đi sanh có cần giấy chuyển tuyến không?

Khi nhập viện điều trị NỘI TRÚ, trường hợp có giấy chuyển tuyến hợp lệ và không có giấy chuyển tuyến, người bệnh đều được thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh (áp dụng từ ngày 1-1-2021 theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014). 

Tuy nhiên, trường hợp CÓ GIẤY CHUYỂN TUYẾN hợp lệ: khi người bệnh có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm LỚN HƠN 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh VẪN được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh(Điểm c, Khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT). Lúc này nếu KHÔNG CÓ GIẤY CHUYỂN TUYẾN, người bệnh sẽ không được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

Sanh dịch vụ thì có được hưởng BHYT không?

Nếu người bệnh đi sanh dịch vụ mà có thẻ BHYT, thì người bệnh vẫn được hưởng chi phí KCB BHYT đúng tuyến theo quy định là 100 % chi phí điều trị nội trú trong phạm vi thanh toán của Qũy BHYT (áp dụng từ ngày 1-1-2021 theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014). 

Ngoài ra, người bệnh tự thanh toán phần đồng chi trả với BHYT và chi phí ngoài phạm vi thanh toán của BHYT bao gồm: tiền phòng dịch vụ, tiền công sanh thường, công sanh mổ theo yêu cầu, dịch vụ sanh gia đình, sanh thương gia, sanh không đau, và các dịch vụ khác... (nếu người bệnh có đăng ký).

Đăng ký phòng dịch vụ có được BHYT chi trả phần nào không?

Tiền phòng dịch vụ theo yêu cầu là chi phí cơ sở vật chất và các tiện ích tăng thêm, không bao gồm chi phí y tế tính theo ngày giường bệnh điều trị và các khoản sử dụng trong quá trình điều trị khác như thuốc, máu, vật tư y tế ...

Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế nên Tiền phòng dịch vụ không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT và người bệnh phải tự thanh toán (nếu có đăng ký).

Em bé đang nằm điều trị tại khoa Sơ sinh có được BHYT chi trả chi phí không?

Em bé đang nằm điều trị tại khoa Sơ sinh là đối tượng thuộc nhóm trẻ em dưới 6 tuổi nên được Qũy BHYT chi trả 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi thanh toán.

Em đã thanh toán viện phí chưa sử dụng BHYT. Giờ em lên bệnh viện làm thủ tục thanh toán lại viện phí có sử dụng BHYT được không?

Theo quy định tại Điều 28 Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT khi đến KB, CB tại bệnh viện Từ Dũ phải xuất trình thẻ BHYT và các giấy tờ tùy thân có ảnh mới được hưởng quyền lợi BHYT.

Nên trường hợp người bệnh đã hoàn tất thủ tục thanh toán mà không sử dụng thẻ BHYT thì người bệnh vui lòng mang toàn bộ hồ sơ thanh toán đến cơ quan BHXH gần nhất để được hướng dẫn giải quyết theo đúng chế độ quy định.

Khi đi sinh em có thể áp dụng đồng thời cả hai thẻ bảo hiểm y tế và bảo hiểm dịch vụ cao cấp (vd: bảo hiểm Bảo Việt, PVI, PTI....) được không? 

Hiện tại, bệnh viện chỉ áp dụng một trong hai loại thẻ bảo hiểm (thẻ BHYT hoặc thẻ Bảo hiểm dịch vụ) khi người bệnh đến khám và điều trị tại bệnh viện Từ Dũ.

Loại bảo hiểm còn lại người bệnh vui lòng mang toàn bộ hồ sơ thanh toán đến cơ quan BHXH gần nhất hoặc Công ty bảo hiểm để được hướng dẫn giải quyết theo đúng chế độ quy định.

Lưu ý:

Vì các công ty bảo hiểm liên kết với bệnh viện thay đổi liên tục nên để chủ động hơn bạn cần liên hệ công ty bảo hiểm để nắm thông tin rằng hợp đồng bảo hiểm của bạn có được bảo lãnh trực tiếp tại BV Từ Dũ hay không và cụ thể chi phí bạn sẽ được bảo lãnh như thế nào trước khi đến bệnh viện.
.
Khi đến nhập viện bạn cần xuất trình bản chính thẻ bảo hiểm này và chứng minh nhân dân, nếu bảo hiểm bạn mua có trong danh sách các công ty liên kết với bệnh viện thì nhân viên phụ trách sẽ hướng dẫn bạn và làm thủ tục.
.
Sau đó, công ty bảo hiểm  sẽ gửi biên bản bảo lãnh đến bệnh viện (thông thường quá trình này sẽ mất từ 1 - 2 ngày làm việc kể từ lúc bạn nhập viện). Bạn sẽ được hưởng quyền lợi dựa trên biên bản bảo lãnh của công ty bảo hiểm.

Em mổ phụ khoa (vd: mổ bóc u xơ tử cung/ bóc u nang buồng trứng/ cắt tử cung/ thai ngoài tử cung.....) tại bệnh viện thì có được BHYT chi trả không? Có cần xin giấy chuyển tuyến không?

Khi nhập viện điều trị NỘI TRÚ, trong trường hợp này là nhập viện điều trị bệnh phụ khoa, thì người bệnh sẽ được hưởng chi phí KCB BHYT đúng tuyến theo quy định là 100 % chi phí điều trị nội trú (áp dụng từ ngày 1-1-2021 theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014). 

Trường hợp CÓ GIẤY CHUYỂN TUYẾN hợp lệ: khi người bệnh có thời gian tham gia Bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm LỚN HƠN 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh VẪN được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh(Điểm c, Khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT). Lúc này nếu KHÔNG CÓ GIẤY CHUYỂN TUYẾN, người bệnh sẽ không được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

Trường hợp mổ phụ khoa dịch vụ, người bệnh vẫn được chi trả các khoản phí trong phạm vi thanh toán của BHYT như quy định trên. Ngoài ra, người bệnh tự thanh toán phần đồng chi trảchi phí ngoài phạm vi thanh toán của BHYT bao gồm: tiền phòng dịch vụ, tiền công mổ theo yêu cầu, các dịch vụ khác... (nếu người bệnh có đăng ký).