banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Em thai 27 tuần, ít ối so với tuổi thai nên làm sao ạ?

Hỏi - 20/03/2018

Chào bác sĩ, xin được tư vấn, em mang thai tuần 26, siêu âm phòng khám tư của bs Chuồn chuyên khoa sản bệnh viện Từ Dũ, bác thông tin là em bị ít ối so với tuổi thai nhưng không cho biết chỉ số cụ thể nào. Bác Chuồn dặn em uống 3 lít nước, 3 trái dừa, 3 sữa tươi một ngày, tuần 27 em thấy thai máy ít quá nên có đi siêu âm lại thì bé vẫn ổn nhưng ối ít hơn bình thường rất nhiều mặc dù em đã bổ sung nước theo chỉ định (em tiểu nhiều lần và lượng nước tiểu trung bình >4,5 lít) xin hỏi bác sĩ việc tiểu nhiều quá như vậy có gì bất thường không? Em nên làm sao để cải thiện tình trạng thiếu ối nhanh chóng và hiệu quả? Trong 8 tiếng ngủ buổi tối, em có cần phải thức dậy để bổ sung nước không vì em rất sợ tình trạng ối bị giảm? Vì theo tìm hiểu em được biết thiếu ối trong giai đoạn này là nguy cơ cho thai cao, em rất lo mong được bác sĩ tư vấn kỹ hơn ạ? Thời gian này e cũng thấy thai không búng nhiều trong bụng như trước khi bị ít ối, chỉ thường thấy bé gò nhẹ, u và căng 1 phần bụng nào đó (thường là bên trái), buổi khuya bé thường gò và nhồi nhiều hơn bình thường (đôi khi đau nhẹ thôi) nhưng khiến em rất khó ngủ. Em cũng thường nằm và ngồi nhiều hơn đi, vì bác sĩ dặn em nghỉ ngơi nhiều, nhưng cứ đi một chút là bụng e lại thấy hơi đau. Đau bụng như vậy có sao không ạ? Và em có cần nằm nhiều hơn và nghiêng trái không ạ? Em rất lo lắng sợ con bị làm sao và phát triển không tốt, xin bác sĩ tư vấn giúp em!

Trả lời

Chào em.

Việc em tiểu nhiều hơn bình thường có thể do em tăng quá nhiều lượng nước nhập vào cơ thể nhưng cũng có thể do các bệnh lý kèm theo khác, em nên đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán cụ thể hơn. Em cũng nên được xét nghiệm dung nạp đường khi thai từ  24 - 28 tuần để tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Khi thể tích dịch ối giảm bất thường vào cuối tam cá nguyệt 2 hoặc tam cá nguyệt 3, thiểu ối thường kết hợp với thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sự bất thường của nhau thai, hoặc các bệnh lý ở mẹ như tiền sản giật hoặc bệnh mạch máu. Trong trường hợp này, em cần khám chuyên khoa để được theo dõi, chăm sóc thai kỳ chặt chẽ hơn những trường hợp bình thường khác để theo dõi sát lượng nước ối, sức khỏe mẹ và thai, tình trạng gò tử cung sớm để sử dụng thuốc giảm gò, thuốc hỗ trợ phổi thai nhi nếu cần thiết.

ThS Phạm Ngọc Bảo Trân

Files đính kèm