tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Sanh non

Hỏi - 23/01/2014

Chào bác sĩ,

Em năm nay 33 tuổi, sanh con đầu lòng cách đây 1 tháng, em sanh non 30 tuần 2 ngày do bị nhau tiền đạo trung tâm, xuất huyết nhiều. Bé đã mất sau đó. Trước đó, từ tuần 19 đến tuần 24 trong kết quả siêu âm em bị nhau bám thấp tuy nhiên từ tuần 28 bác sĩ khám thai báo bé đã kéo nhau lên và nhau bám mặt sau. Bác sĩ cho em hỏi:

- Nhau tiền đạo có thể chẩn đoán chính xác từ thời gian nào của thai kỳ? Sao nhau thai của em lại có sự bất thường trong khi bác sĩ bảo với em từ tuần 28 nhau thai ổn định?

- Trường hợp của em phải mổ lấy thai, trong thời gian khoảng bao lâu thì em có thể để có thai lại vì em cũng lớn tuổi và mong muốn có con. Trước khi chuẩn bị có con lại, em cần bổ sung hoặc kiểm tra sức khỏe gì không ah? Em cảm ơn bác sĩ nhiều. Chúc bác sĩ năm mới sức khỏe, thịnh vượng và hạnh phúc!

Trả lời

Bạn Thu Phương thân mến,

Nhau tiền đạo có các loại: nhau bám thấp, nhau bám mép, nhau tiền đạo bán trung tâm và nhau tiền đạo trung tâm. Từ 20 tuần tuổi thai có thể chẩn đoán nhau tiền đạo qua siêu âm. Khi thai lớn lên, đoạn dưới tử cung kéo dài nên bánh nhau có vẻ được kéo lên cao, do vậy có nhiều trường hợp nhau bám thấp trở thành bình thường. Theo y văn, 100 trường hợp được chẩn đoán nhau tiền đạo lúc thai 20 – 23 tuần thì đến lúc sinh chỉ còn 34 trường hợp, nếu được chẩn đoán lúc thai 24 – 27 tuần thì lúc sinh là 49%, chẩn đoán lúc thai 28 – 31 tuần thì lúc sinh là 62%  và 73% của những trường hợp được chẩn đoán lúc thai 32- 35 tuần. Nhau tiền đạo bám mặt sau thường tồn tại đến lúc sinh nhiều hơn so với nhau bám mặt trước. Trong trường hợp của em nhau bám thấp mặt sau có thể khó quan sát nên không đánh giá đúng vào thời điểm thai 28 tuần, do vậy nên đến 30 tuần vẫn còn là nhau tiền đạo.

Sau khi mổ lấy thai, tốt nhất từ 2 năm trở lên hãy để có thai lại. Tuy nhiên, em 33 tuổi và chưa có con nên có thể mang thai lại sớm hơn, có thể 16 tháng sau em để có thai lại cũng được. Để chuẩn bị tốt cho thai kỳ sau, em nên khám sức khỏe tổng quát, khám phụ khoa và tiêm ngừa các bệnh cần thiết nếu chưa có kháng thể: viêm gan B, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella; nên dùng acid folic mỗi ngày. Chúc vợ chồng em luôn hạnh phúc và sẽ có cháu bé khỏe mạnh trong tương lai gần.

Thân ái chào em.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà

Khoa Hậu sản M - BV Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ