Nhận dạng ngộ độc thực phẩm do tác nhân vi sinh
Thật ra, khi thức ăn đi vào dạ dày, sẽ được nhào trộn với dịch vị có chứa acid, vì thế hầu hết các vi sinh vật hiện diện trong thức ăn bị tiêu diệt ngoài trừ những loài chịu acid có thể sống sót. Dạ dày vì thế được xem là nơi bảo vệ khá hữu hiệu cho đường tiêu hóa, tuy nhiên cũng không phải là một lá chắn bất khả xâm phạm. Vi khuẩn có thể tránh khỏi sự tiếp xúc với acid bằng cách ẩn trong các mảnh thức ăn hoặc có thể thoát ra khỏi dạ dày một cách nhanh chóng khi dạ dày chứa đầy thứa ăn. Trái lại, ruột là nơi cư trú của một số lượng rất lớn vi sinh vật, còn nhiều hơn cả số tế bào của một cơ thể con người. Do vận tốc dòng thực phẩm trong ruột giảm dần dọc theo chiều dài ruột nên số lượng vi sinh vật tăng dần lên trong ruột non và lên cao nhất trong ruột già nơi mà các chất bã được giữ lại trong một thời gian khá dài trước khi được thải ra ngoài. Thông thường số lượng vi khuẩn vào khoảng từ 10 tỷ đến 100 tỷ trong 1g phân. Trong đó nhiều nhất là E. coli, Enterococcus, sau đó là Lactobacillus, Clostridium và Fusobacterium, ngoài ra còn có một ít các vi sinh vật khác như nấm men, Staphylococcus và Pseudomonas.
Bệnh truyền theo đường thực phẩm Theo định nghĩa của tổ chức y tế thế giới (WHO), bất cứ một loại bệnh nào có bản chất lây nhiễm hay ngộ độc gây nên do tiêu thụ thức ăn hoặc nước uống đều được gọi là “bệnh truyền theo thực phẩm”. Định nghĩa này bao gồm cả thức ăn và nước uống và không chỉ giới hạn trong phạm vi các ngộ độc liên quan đến tiêu hóa như các triệu chứng tiêu chảy, nôn ói… mà còn bao gồm cả các triệu chứng khác như tê liệt do ngộ độc hải sản, các độc tố và các hóa chất có trong thực phẩm. Nhưng lại không bao hàm các triệu chứng bị dị ứng và tính không dung nạp hay nói cách khác là “kỵ” một thực phẩm nào đó. Bệnh truyền theo thực phẩm có nhiều mức độ khác nhau, từ thể nhẹ, rối loạn tiêu hóa đến tử vong. Một vài trường hợp có thể dẫn đến những triệu chứng phức tạp như hội chứng tan huyết và u-rê máu do nhiễm E. coli O157:H7 hoặc hội chứng rối loạn thần kinh do nhiễm Campylobacter. Các triệu chứng ngộ độc có thể phát triển mạnh mẽ và trở nên nghiêm trọng ở một số đối tượng như người già, trẻ em và những người bị suy giảm hệ miễn dịch do bị bệnh hoặc do dùng liệu pháp hóa trị. Ngộ độc thực phẩm do tác nhân vi sinh có thể chia làm 3 loại: - Ngộ độc do độc tố đã được sinh ra trong thực phẩm. Các vi sinh vật như Staphylococcus aureus, Bacillus cereus, Clostridium botulinum… trong khi phát triển trên thực phẩm đã sinh ra các hợp chất gây ngộ độc cho người ăn phải chúng. Trong trường hợp này, thời gian ủ bệnh rất ngắn và các triệu chứng thường là đau bụng, nôn ói. - Nhiễm khuẩn không xâm nhập là trường hợp các vi khuẩn nhiễm vào thức ăn, sau khi được ăn vào chúng vẫn còn sống sót đến ruột non và phát triển bên trong lòng ruột. Tại đây, chúng sinh ra các độc tố có tác dụng cục bộ trong ruột, gây đau bụng và tiêu chảy. Các vi khuẩn dạng này thường là Vibrio Cholera gây bệnh tả, một vài dòng E. coli, Clostridium perfringens. - Nhiễm khuẩn xâm nhập cũng do các vi khuẩn nhiễm vào thức ăn và vẫn còn sống sót đến ruột non, nhưng tại đây chúng xâm nhập vào các tế bào thành ruột. Vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào tế bào ruột non, gây viêm ruột cục bộ dẫn đến triệu chứng nóng sốt, ớn lạnh và tiêu chảy. Các vi khuẩn như Shigella, một số dòng E. coli sau khi xâm nhập vào các tế bào ruột non gây nên các ổ ung nhọt và các vết loét trong ruột dẫn đến hội chứng tả lỵ, trong phân có máu, nhớt và mủ. Một số chủng Shigella lại sinh ra độc tố thần kinh gây triệu chứng tê liệt và có thể dẫn đến tử vong.
|