tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào em

Hầu hết các loại thuốc đều được khuyến cáo chỉ định thận trọng trong thai kỳ. Tuy nhiên, tùy theo việc cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, kết hợp tình hình sức khỏe của mẹ và bé, bác sĩ sẽ có chỉ định thuốc cho từng trường hợp.

Em nên quay lại bác sĩ đã khám và cho thuốc để được tư vấn cụ thể (về tác nhân gây huyết trắng cho em là gì; từ đó, mới biết hiệu quả của thuốc bác sĩ cho em đối với tình trạng viêm của em ra sao, khả năng ảnh hưởng lên thai nhi thấp ở mức độ nào…)


ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

Chào em

Thai nhi của em có dấu hiệu của dãn não thất nhưng ở mức độ nhẹ.

Em nên đến khám tại Đơn vị Chẩn đoán Tiền sản bệnh viện Từ Dũ hoặc Hùng Vương để được tư vấn cụ thể, kể cả việc xem xét về chẩn đoán loại trừ bất thường nhiễm sắc thể.

Thân mến.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

07tháng 06

Chào em

Rất tiếc là mặc dù mô tả của em rất dài nhưng chưa có đủ thông tin cần thiết để giúp khẳng định « em có nguy hiểm » không. Nếu em đang nằm viện, em nên hỏi trực tiếp bác sĩ đang điều trị cho mình về loại thuốc em sử dụng. Em có quyền được biết về điều này mà. Mong em an tâm và chúc may mắn !

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

Chào bạn

Các triệu chứng chủ quan (mệt mỏi, thèm ngủ…), que thử thai, siêu âm chưa phải là các dấu hiệu và phương tiện chẩn đoán có thai 100%. Em có thể đến khám tại bác sĩ sản phụ khoa để được tư vấn về phương tiện chẩn đoán có thai với độ tin cậy cao hơn như định lượng beta hCG trong máu.

Từ kết quả khám, bạn sẽ được hướng dẫn cách xử trí tiếp theo.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ


Chào em

Em nên quay lại bác sĩ đã khám để được nghe tư vấn cụ thể. Hầu hết các loại thuốc đều được khuyến cáo chỉ định thận trọng trong thai kỳ. Tuy nhiên, tùy theo việc cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, kết hợp tình hình sức khỏe của mẹ và bé, bác sĩ sẽ có chỉ định thuốc cho từng trường hợp.  

Thân mến

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ
Chào em

Em cần nhớ chính xác hoặc ghi lại cụ thể ngày kinh cuối cùng để có cơ sở cho bác sĩ hướng dẫn khi nào thì nên thử que.

Trễ kinh và que thử thai chưa phải là dấu hiệu và phương tiện chẩn đoán thai chắc chắn 100%. Em có thể làm thêm xét nghiệm beta hCG định lượng trong máu để có chẩn đoán chính xác hơn.   


ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

Chào em

Em có thể tiếp tục dùng Ferrovit trong thai kỳ.

Trong quá trình mang thai, người phụ nữ được tư vấn tiêm ngừa uống ván rốn cho em bé. Khi nào tiêm và tiêm ở đâu thì bác sĩ khám thai sẽ hướng dẫn cụ thể khi em đi khám thai.


ThS. BS. Ngô Thị Yên

Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

Kính gửi chị Ngọc Hoa


Xin gợi ý chị liên hệ tham vấn về các vấn đề của chị với các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn. Các bác sĩ đang điều trị cho chị sẽ nắm rõ nhất thông tin bệnh của chị nên sẽ tư vấn chính xác hơn.

Chúc chị vui, khỏe, điều trị thành công.

ThS. BS. Nguyễn Khắc Hân Hoan
Khoa Xét nghiệm di truyền y học - BV Từ Dũ

Kính gửi anh Đức

Xét nghiệm double test là một loại xét nghiệm để sàng lọc trước sinh tìm ra các thai kỳ có nguy cơ cao bị rối loạn nhiễm sắc thể, đặc biệt là hội chứng Down. Vì đây là xét nghiệm sàng lọc nên kết quả thường chỉ đưa ra được câu trả lời nguy cơ dưới dạng tỉ lệ. Tùy theo phương pháp xét nghiệm mà kết quả có tỉ lệ phát hiện (tỉ lệ thai bị bất thường được phát hiện là có nguy cơ cao) và tỉ lệ dương tính sai (là tỉ lệ thai bình thường bị kết luận là có nguy cơ cao). Phương pháp xét nghiệm càng tốt thì tỉ lệ phát hiện càng cao trong khi tỉ lệ dương tính sai lại giảm đi.
Trong trường hợp này, vợ anh có tuổi cao, chỉ số PAPP-A giảm khá nhiều, MoM chỉ còn 0,38, trong khi FbhCG tăng không nhiều. Anh không cung cấp chỉ số của Khoảng mờ gáy (tiếng Anh là nuchal translucency, viết tắt là NT) mà mọi người thường gọi nhầm là độ mờ da gáy.
Kết quả double test (bao gồm tuổi mẹ, FbhCG, PAPP-A) cho nguy cơ rất cao, >1/50. Trong khi đó kết quả combined test (bao gồm tuổi mẹ, FbHCG, PAPP-A, có thêm NT) lại không cao lắm, 1/291.
Theo nguyên tắc, kết quả Combined test giúp làm tăng tỉ lệ phát hiện. Tuy nhiên, nếu đo NT không đúng chuẩn thì có thể làm cho nguy cơ bị giảm đi (do đo NT nhỏ  hơn thực tế ) hoặc làm cho nguy cơ tăng lên (do đo NT lớn  hơn thực tế). điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chủ quan và kỹ năng người làm siêu âm khoảng mờ gáy.
Như vậy nếu căn cứ vào nguy cơ >1/50 (2%) thì chị nên được chọc ối để khảo sát nhiễm sắc thể của thai. Nếu căn cứ vào nguy cơ 1/291, là nguy cơ trung gian, việc chọc ối sẽ được cân nhắc giữa lợi ích (phát hiện được bệnh ) và thiệt hại (chi phí, tai biến sẩy thai ). Việc quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào vợ của anh và anh.
Lưu ý: thủ thuật chọc ối nên được thực hiện tốt nhất trong khoảng thai 16 - 18 tuần tuổi.
Chúc anh chị khỏe và bình an.
Trân trọng
ThS. BS. Nguyễn Khắc Hân Hoan
Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học - BV Từ Dũ.
Xin chào chị Thu
Chị và chồng nên đưa cháu bị bệnh thalassemia đến Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học- bệnh viện Từ Dũ để chúng tôi làm xét nghiệm đột biến gen thalassemia cho gia đình chị.
Đồng thời, chị nên đi khám thai tại bệnh viện và yêu cầu được khám, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh. Đây là thời điểm tốt nhất để làm sàng lọc hội chứng Down và các bệnh khác nữa.
Đến khi thai 16 tuần, chúng tôi đã có hồ sơ đột biến gen của gia đình chị. Khi ấy, tùy vào kết quả chúng tôi sẽ quyết định chọc ối để chẩn đoán xem thai có bệnh thalassemia hay không.
Chúc chị vui khỏe.
ThS. BS Nguyễn Khắc Hân Hoan
Khoa Xét nghiệm Di truyền Y học - BV Từ Dũ
05tháng 06
Chào anh,

Rất vui khi anh đã đặt niềm tin vào bệnh viện Từ Dũ. Hiện nay, vì số lượng giường bệnh có hạn và hạn chế tình trạng bệnh nhân sau khi sanh không có giường nằm nên bệnh viện chỉ cấp giường cho sản phụ sau khi đã sanh xong.

Để đăng ký phòng, anh có thể liên hệ với bộ phận đăng ký tại Khu vực Chỉ dẫn - Đầu Khu A (gần Cấp cứu) để được hướng dẫn.

Chúc vợ anh được mẹ tròn con vuông.

Thân mến

CN. Lê Đào Minh Châu
Bộ phận website - BV Từ Dũ

Chào chị,

Cơ quản quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) của Hoa Kỳ đã thiết lập hệ thống phân loại mức độ an toàn của thuốc trên phụ nữ mang thai bao gồm 5 nhóm A, B, C, D, X theo thứ tự nguy cơ đối với bào thai tăng dần.

Vitamin A được xếp vào nhóm A*, các nghiên cứu có kiểm soát trên phụ nữ không chứng minh được nguy cơ đối với bào thai trong 3 tháng đầu thai kỳ và khả năng gây hại cho thai nhi thấp.

Chlopheniramine 4mg được xếp vào nhóm B, điều này có nghĩa là không có những nghiên cứu đầy đủ trên phụ nữ mang thai nhưng nghiên cứu trên động vật mang thai khi cho sử dụng thuốc thì không thấy ảnh hưởng lên bào thai; hoặc nghiên cứu trên động vật mang thai khi cho sử dụng thuốc thì thấy có một số ảnh hưởng trên bào thai nhưng nghiên cứu có kiểm soát trên phụ nữ mang thai sử dụng thuốc thì không thấy ảnh hưởng trên bào thai.

Rovagi 3 MIU (spiramycin) và Betamethasone thuộc nhóm C, nghĩa là nghiên cứu trên động vật cho thấy tác dụng có hại đối với bào thai và không có nghiên cứu có kiểm soát ở phụ nữ mang thai; hoặc là chưa có nghiên cứu trên người và động vật. Chỉ dùng thuốc khi lợi ích đạt được lớn hơn nguy cơ.

Các thuốc sau hiện chưa có thông tin về phân loại trong thai kỳ của FDA: Hydroxyzine 25mg; Talimus 0.1% (Tacrolimus); Heal Skin Cream; YSP Macgel (Magnesium hydroxide, Aluminum hydroxide, Dimethylpolysiloxane).

Không có loại thuốc nào được xem là an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, có một số bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời và đúng mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ hoặc bé. Ngoài việc khám thai định kỳ, chị cần thường xuyên đi khám chuyên khoa Da liễu để bác sĩ có thể theo dõi được đáp ứng trị liệu và lựa chọn loại thuốc, liều dùng cũng như thời gian điều trị phù hợp với tình trạng bệnh mà ít ảnh hưởng đến bào thai nhất. Chị không nên tự ý sử dụng hoặc ngưng dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ. 

Điều quan trọng là chị đã thận trọng thông báo cho thầy thuốc biết về tình trạng mang thai của mình để bác sĩ có sự cân nhắc, đánh giá lợi ích đối với người mẹ và nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.

DS. Nguyễn Thị Thúy Anh
Khoa Dược - BV Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ