Xin bác sĩ giúp về sức khỏe mang thai
Hỏi - 12/07/2014
Hiện em mang thai ở tuần 32, em đi khám định kỳ theo chỉ định và tư vẫn của bác sĩ bệnh viện Từ Dũ. Tuy nhiên, thời gian khám ngắn và gần đây có nhiều bất thường, em có báo bác sĩ khám nhưng ít được tư vấn. Em rất lo lắng và gửi thư, rất mong được tư vấn về sức khỏe thai kỳ kỹ hơn. Em là nhân viên văn phòng, hàng ngày đi làm khoảng 12km (từ Bình Thạnh qua quận 7- cả đi lẫn về tầm 24km), ông xã chở đi bằng xe máy.
1. Ở tuần thai kì 27 (em khám vào đầu tháng 6), diễn biến bình thường nhưng qua tuần 28, trong lúc họp (bình thường em vẫn hay họp) thì đột nhiên em thấy mệt, khó thở, nóng và đổ mồ hôi lạnh. Sau đó, người lả dần đi và em bắt đầu nhìn không rõ. Em rời cuộc họp và ra ngoài nằm hơn nửa tiếng thì đỡ hơn, nhưng sau đó, em bị nôn rất nhiều. Đồng nghiệp có kể lại là lúc đó mặt và môi em tím tái rất nhiều. Kể từ lúc mang thai, mỗi lần đi ra nắng hoặc ở chỗ đông người em cũng bị mệt như vậy. Nhưng trong cuộc họp (không đông người lắm) thì đấy là lần đầu tiên. Kể từ tuần 28 của thai kì đó, em có triệu chứng nóng tai, mặt và sau đầu, cảm giác máu dồn lên mặt và ù tai như khi bị treo ngược đầu xuống đất. Hiện tượng này xảy ra thường xuyên, lúc ngồi hoặc nằm mà không có cử động đột ngột gì. Khi khám thai ở tuần 31, em có báo với bác sĩ, bác sĩ bảo có khả năng em bị cao huyết áp. Nhưng đo đi đo lại 3 lần, chỉ số vẫn bình thường. Hiện em sử dụng máy đo Omron mini tại nhà thì chỉ số lại rất thấp – dưới 90 (theo như tờ hướng dẫn).
2. Tầm tuần 30, em có bị bón nặng và cố gắng rặn, dẫn đến việc âm đạo sưng tấy trông rất sợ, đến sáng hôm sau thì hết. Không biết việc này có ảnh hưởng gì không?
3. Ngoài ra, em có đi tiểu buốt trong khoảng 2 ngày thì sau đó bình thường. Hiện em đang dùng nước rửa phụ khoa (không nhớ tên) do bác sĩ kê đơn trong lần khám thai định kì trước.
4. Em đi dự hội nghị dành cho mẹ và bé (tuần 29), test nhanh, bác sĩ bảo đường huyết cao (153 – sau khi đã ăn sáng). Ở tuần 31, em kiểm tra lại tại Từ Dũ (chưa ăn sáng) thấy kết quả glycemie là 4,8, bác sĩ bảo bình thường. Như vậy có đúng không. Ngoài ra, còn có chỉ số Urobilinogen 1.7, Bạch cầu +++500. Kết quả siêu âm thai nhi ghi vùng cổ thai nhi có dạng dây rốn, nghĩa là sao ạ?
5. Hiện nay, ở tuần thai kì 32, em bắt đầu có triệu chứng là hay bị tức ngang ngực như có gì đó đè chặn lại, khiến khó thở, tay, chân mỏi, người mệt… (cảm giác khó chịu kì lạ mà không biết diễn tả như thế nào). Lâu lâu bụng em cũng bị trằn ở dưới hoặc căng lên. Không biết các triệu chứng này có liên quan đến sinh non không, em lo quá. Thư em dài, mong bác sĩ dành chút thời gian giúp em. Em chân thành cảm ơn.
1. Bạn bị choáng / ngất có thể do nhiều nguyên nhân: cao hoặc hạ huyết áp, hạ đường huyết…Ngay lúc đó bạn nên nằm nghỉ tại chỗ, nếu được có thể uống một ít trà đường ấm. Bạn nên lập cuốn sổ nhỏ theo dõi huyết áp trong ngày để biết huyết áp bình thường của mình là bao nhiêu. Một số thai phụ có huyết áp bình thường luôn là 90/60 mmHg. Không làm việc quá căng thẳng vì có thể cũng là một stress tạm thời gây thay đổi huyết áp.
2. Bạn có thể thay đổi chế độ ăn: tăng chất xơ như rau củ quả, dùng yogurt trái cây hàng ngày; hoặc một số trường hợp có thể đổi thuốc bổ bạn đang dùng (vì một số thuốc có thể có tác dụng phụ gây táo bón). Bạn rặn nhiều sẽ làm các búi tĩnh mạch trĩ (vùng hậu môn) sa ra ngoài (không phải là âm đạo sưng tấy; đôi khi có thể gây xuất huyết. Sau khi sanh, do áp lực ổ bụng đã giảm, tình trạng trĩ ngoại có thể sẽ giảm đi. Nếu bạn thấy tình trạng nặng lên, nên đến khám tại đơn vị hậu môn học - bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
3. Rối loạn đi tiểu: tiểu buốt, tiểu gắt, có thể do nhiễm trùng tiểu. Bạn nên báo với bác sĩ khi đi khám thai để được xét nghiệm nước tiểu và cho thuốc nếu cần
4. Đường huyết sau ăn 153 mg/dl không có ý nghĩa chẩn đoán bệnh. Đường huyết đói của bạn bình thường. Từ tuần 24-28 thai kỳ, bạn sẽ được làm Test dung nạp đường để chẩn đoán rối loạn dung nạp đường thai kỳ.
Siêu âm ghi nhận dây rốn quấn cổ. Bạn vẫn có thể theo dõi tình trạng thai nhi bằng cách theo dõi thai máy (theo tờ rơi hướng dẫn. Khi vào chuyển dạ, các bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim thai để đánh giá tình trạng thai.
5. Thai kỳ bước vào 3 tháng cuối; tử cung đã tăng vượt trội, chèn ép lên cơ hoành nên làm bạn có cảm giá khó thở tức ngực, bạn tránh ăn quá no, sẽ càng làm triệu chứng khó chịu nhiều hơn. Giai đoạn này có những cơn gò sinh lý gọi là Braxton Hicks, đôi khi gây đau. Điểm phân biệt với gò dọa sanh non là tính chất gò, gò dọa sanh non sẽ đều đặn và gây biến đổi ở cổ tử cung. Khi đi khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng này.
Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tái khám trở lại mặc dù chưa đến hẹn, để bác sĩ có thể đánh giá và xử trí cụ thể.
Thân mến,
BS. Trịnh Nhựt Thư Hương
Khoa Chăm sóc trước sinh - BV Từ Dũ