banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

26/04/2019

Em bé được cứu sống dù bánh nhau đã bong hơn phân nửa.

Lúc 3g10 ngày 26/4/2019, một bé trai đã mạnh mẽ khóc chào đời dù cân nặng chỉ có 1,9 kg. Trước ngày dự sinh hơn 1 tháng, sản phụ N.T.L, 34 tuổi đã đến khám tại bệnh viện quận 7 trong tình trạng huyết áp cao, ra máu âm đạo. Vì thai non tháng, sản phụ được chuyển đến bệnh viện Từ Dũ. Đánh giá được các nguy cơ có thể xảy ra cho thai phụ tiền sản giật, bác sĩ siêu âm lưu ý kỹ bánh nhau và phát hiện khối máu tụ khá to. Ngay lập tức, thai phụ được chuyển khẩn vào phòng mổ. Chỉ mất khoảng 30 giây sau khi gây mê, bác sĩ đã vui mừng chào đón một bé trai tuy non tháng nhưng mạnh khoẻ, khóc ngay khi ra đời. Trong lúc kíp sơ sinh chăm sóc và chuyển bé về khoa Sơ sinh thì kíp sản khoa đã thở phào khi kiểm tra thấy bánh nhau đã bong hơn 50% mà thai nhi vẫn còn được nuôi dưỡng.

Nhau bong non là tình trạng sản khoa khẩn cấp mà cứu sống được em bé là kết quả của nhiều kíp làm việc cùng nhau ... chạy. Kíp trực cấp cứu chuẩn bị đường truyền tĩnh mạch trong khi kíp gây mê  chuẩn bị phương tiện phẫu thuật, kíp phẫu thuật nhanh chóng nhưng chính xác từng giây một trước khi nhau không còn cung cấp đủ máu cho thai. Tình trạng nhau bong non không kịp phẫu thuật không chỉ làm tử vong thai mà còn gây nguy cơ chảy máu không cầm được phải cắt tử cung.

Phụ nữ mang thai có huyết áp cao, tiền sản giật có khả năng nhau bong non. Việc theo dõi sát huyết áp trong thai kỳ giúp cho việc phát hiện tiền sản giật kịp thời bằng để điều trị bằng thuốc, chế độ ăn, nghỉ ngơi... Dù chưa bao giờ bị tăng huyết áp, khi mang thai hơn 20 tuần, thai phụ thấy 1 trong các dấu hiệu như lên cân nhanh, phù, chóng mặt, hoa mắt, nhìn mờ, đau giống đau dạ dày cần đi khám để được loại trừ tiền sản giật. Các bác sĩ khuyến khích thai phụ có triệu chứng trên, nếu chưa có chỉ định nhập viện thì cũng nên tự theo dõi huyết áp bằng máy đo tự động tại nhà. Khi huyết áp lớn hơn hay bằng 140/90 mmHg thì lập tức tới cơ sở y tế để được kiểm tra kỹ hơn.

Th.S. Bs. CK2 Lê Ngọc Diệp