banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

15/06/2017

Kỹ thuật thông tiểu

I. MỤC ĐÍCH

Đặt thông tiểu là biện pháp đặt một ống thông tiểu qua đường niệu đạo vào bàng quang nhằm:

– Làm giảm sự khó chịu và căng quá mức do ứ đọng nước tiểu trong bàng quang.

– Đo lường khối lượng và tính chất nước tiểu lưu trú trong bàng quang.

– Lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm.

II. CHỈ ĐỊNH

– Khi người bệnh bí tiểu đã áp dụng các biện pháp kích thích tiểu tiện không hiệu quả.

– Theo dõi khối lượng nước tiểu trong một số trường hợp.

– Lấy mẫu nước tiểu vô khuẩn làm xét nghiệm chẩn đoán.

– Chuẩn bị người bệnh trước mổ tiết niệu hay sinh dục hậu môn mà trước mổ người bệnh có cầu bàng quang và không đi tiểu được.

– Dẫn lưu nước tiểu gián đoạn hoặc liên tục trong trường hợp người bệnh hôn mê, liệt giường có tiểu tiện không tự chủ (để giữ vùng sinh dục và vùng xung quanh sinh dục, hậu môn sạch sẽ, khô ráo, đề phòng loét mục), sau phẫu thuật vùng đáy chậu (phòng ngừa nước tiểu tiếp xúc với vết mổ)

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Nhiễm khuẩn niệu đạo.

– Dập, rách niệu đạo.

IV. CHUẨN BỊ

1.  Địa điểm:

Tại phòng thủ thuật hoặc tại giường nếu giường bệnh đảm bảo vệ sinh, có bình phong hoặc màn che giường, đảm bảo sự kín đáo, riêng tư khi tiến hành thủ thuật.

2. Người bệnh:

–   Được thông báo trước về thời gian tiến hành thủ thuật và giải thích lý do, mục đích, sự cần thiết và cảm giác khó chịu khi ống thông đưa vào lỗ tiểu.

–   Trải vải nylon dưới mông người bệnh.

–   Người bệnh nằm ngửa, sát mép giường, tư thế sản phụ khoa để điều dưỡng viên thuận tiện khi tiến hành thủ thuật.

3. Dụng cụ:

Dụng cụ vô khuẩn:

– Mâm – săn vô khuẩn.

– Ống thông vô khuẩn.

– Găng tay vô khuẩn.

– Bơm tiêm.

– Nước cất.

– Gòn, gạc.

– 2 kềm.

– Bồn hạt đậu.

– Dung dịch bôi trơn.

Dụng cụ sạch:

– Bồn hạt đậu, túi và dây dẫn lưu nước tiểu vô khuẩn (nếu cần).

– Ống nghiệm.

– Thùng đựng chất thải.

– Băng keo, kéo.

– Tấm lót mông.

4. Nhân viên y tế:

– Đội nón, mang khẩu trang.

– Rửa tay sạch trước khi chuẩn bị người bệnh và dụng cụ.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  1. Giải thích người bệnh hiểu mục đích, kỹ thuật, thủ thuật cần thiết.
  2. Che chắn cho người bệnh, đảm bảo kín đáo, tư thế thích hợp.
  3. Rửa tay.
  4. Mang găng.
  5. Trải tấm lót mông
  6. Sát khuẩn môi lớn, môi nhỏ, lỗ tiểu.
  7. Đặt bồn hạt đậu vô khuẩn giữa 2 đùi người bệnh.
  8. Sát khuẩn lại lỗ tiểu lần 2.
  9. Cầm ống thông tiểu, kẹp đầu dưới thông tiểu, bôi trơn thông tiểu bằng dung dịch bôi trơn.
  10. Một tay bộc lộ lỗ tiểu, một tay đưa ống thông vào qua lỗ niệu đạo sâu 4 – 5 cm sẽ có nước tiểu chảy ra.
  11. Tùy mục đích đặt thông tiểu:

Thông tiểu: mở ống cho nước tiểu dẫn lưu hết khỏi bàng quang. Khi kết thúc, gập đầu dưới của ống và rút ống, để vào bồn hạt đậu .

Xét nghiệm: bỏ nước tiểu chảy ban đầu và lấy nước tiểu giữa dòng vào ống nghiệm để làm xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.

Dẫn lưu: phải dùng ống thông Foley, dùng bơm tiêm để hút một lượng dung dịch bằng thể tích của bóng (được ghi ở đầu dưới ống thông) bơm bóng phồng lên, bơm hết tháo bơm tiêm ra, rút nhẹ ống thông, thấy đầu thông bị mắc, không tuột ra là được.

+ Nối đầu dưới ống thông với dây dẫn nước tiểu, mở kẹp ống thông để dẫn lưu nước tiểu vào túi đựng nước tiểu được treo ở thành giường (thấp hơn người bệnh để nước tiểu chảy tự do mà không tràn ngược nước tiểu ở ống vào bàng quang).

+ Cố định ống thông vào đùi của người bệnh bằng băng dính.

  1. Đặt người bệnh về tư thế thích hợp.
  2. Thu dọn dụng cụ đúng quy định.

VI. GHI HỒ SƠ VÀ BÁO CÁO

Ngày giờ tiến hành thủ thuật, diễn biến trước, trong và sau khi tiến hành thủ thuật, kết quả thủ thuật, tình trạng nước tiểu (khối lượng, màu sắc, độ đậm đặc), người tiến hành thủ thuật (ký tên, ghi rõ tên).

VII.HƯỚNG DẪN NGƯỜI BỆNH

– Giải thích cho người bệnh để hợp tác trong quá trình điều trị, không tự ý mở hệ thống dẫn lưu, di chuyển ống dẫn lưu, túi hoặc vật chứa nước tiểu, không được đẩy ống dẫn lưu nước tiểu sâu vào bàng quang trong trường hợp nghi ngờ thông tuột để đề phòng nhiễm khuẩn.

– Vệ sinh vùng sinh dục, hậu môn hoặc sau mỗi lần đại tiện.

– Thường xuyên quan sát ống dẫn lưu, nếu có dấu hiệu khác thường báo ngay cho điều dưỡng hoặc bác sĩ biết.

– Nên lưu ý không để dây dẫn lưu xoắn, vặn cản trở lưu thông nước tiểu.