banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Viêm lộ tuyến cổ tử cung

Hỏi - 04/03/2012

Chào bác sỹ.

Em bị viêm lộ tuyến đã 3 năm rồi. Mấy lần định đi chữa trị thì các bác sỹ đều khuyên là về sinh con đã rồi chữa trị sau. Bây giờ con em đã được 5 tháng tuổi thì em có thể chữa trị được chưa ạ? Và phương pháp chữa trị nào là tối ưu nhất ạ? Em có tham khảo trên mạng là diệt tuyến bằng dao leep. Phương pháp này liệu có thể thực hiện ở phòng khám tư nhân được không  vì em muốn điều trị ở nhà 1 bác sỹ cho nhanh chóng và tiện lợi ( nhưng vẫn băn khoăn ).

Xin cảm ơn.

Trả lời
Chào em,

Lộ tuyến cổ tử cung là các tổn thương ở cổ tử  cung do các tế bào tuyến nằm trong ống cổ tử cung phát triển ra ngoài, xâm lấn mặt ngoài của cổ tử cung. Do các tế bào tuyến lộ ra ngoài vẫn tiết dịch như khi  ở trong cổ tử cung nên bệnh nhân thường có hiện tượng tăng tiết dịch trong âm  đạo, dễ dẫn đến viêm nhiễm (khi đó gọi là lộ tuyến viêm). 

Nguyên nhân gây lộ tuyến chưa được  biết rõ, nhưng thường gặp hơn ở những phụ nữ đã sinh nở, trong thời kỳ buồng  trứng còn hoạt động mạnh. Bản thân lộ tuyến là một tổn thương lành tính.

Nếu lộ tuyến kèm theo viêm nhiễm thì phải dùng thuốc điều trị chống viêm. Tuy vậy, thuốc chống viêm không chữa khỏi lộ tuyến. Muốn chữa hết lộ tuyến thì phải dùng các biện pháp diệt tuyến (nghĩa là phải đốt chúng bằng điện, lazer, áp lạnh hay bằng hóa chất). Việc đốt tuyến  cũng chỉ được thực hiện sau khi đã chữa khỏi viêm. Trước khi đốt phải soi cổ tử  cung hoặc làm phiến đồ âm đạo để phát hiện những bất thường của tế bào cổ tử  cung. 

Khi đốt diệt tuyến ở cổ tử cung, nếu đốt quá sâu, cổ tử cung sẽ có sẹo xơ cứng, lỗ cổ tử cung bị chít hẹp, gây ứ đọng máu kinh, đau và có thể cản trở sự thụ thai. Đến khi chuyển dạ đẻ, sẹo xơ cứng ở cổ tử cung sau đốt có thể làm tử cung khó mở để đẩy thai ra ngoài. Lộ tuyến cổ tử cung (nhất là lộ tuyến viêm) có thể hạn chế thụ thai. 

Vì vậy, hiện tại đối với lộ tuyến cổ tử cung cần lưu ý giữ vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, đặc biệt vào những ngày có kinh, khám và theo dõi phụ khoa định kì mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng. Không khuyến khích biện pháp diệt tuyến.

Thân chào!

BS.CKI. Đặng Thị Trân Hạnh
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Từ Dũ