banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

07/07/2009

Hoàng sa, Trường sa trong trái tim dân tộc

  Ds. Đặng Thị Thuận Thảo
     Khoa Dược - BV Từ Dũ

Bài cảm nhận  tham gia cuộc thi “ Tìm hiểu biên giới hải đảo và truyền thống bộ đội biên  phòng 2009”

Việt Nam hai tiếng gọi thân thương và bình dị, nhưng để được cất cao tiếng gọi ấy là cả  một thiên trường lịch sử hào hùng suốt hơn bốn ngàn năm cha ông ta đã đánh đổi bằng xương máu, mồ hôi của mình để vượt qua biết bao kẻ thù xâm lăng, bảo vệ và gầy dựng nên. Càng tự hào về lịch sử dân tộc, chúng ta càng phải đồng tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.  Lời dạy của Người đã thấm sâu trong trái tim, khối óc của triệu triệu người Việt Nam.

Đất Việt Nam có rừng, đất Việt Nam có biển. Trong tâm thức người Việt, Trường Sa và Hoàng Sa là một khái niệm vừa đẹp đẽ vừa thiêng liêng. Nằm ngoài đại dương bao la nơi hứng chịu muôn vàn  thiên tai khắc nghiệt, sóng gió bão tố, Hoàng Sa, Trường Sa như một niềm tự hào về chủ quyền đất nước, độc lập dân tộc. Đó là núm ruột của người Việt Nam. Thật tự hào biết mấy khi lịch sử đã khẳng định qua hình ảnh cha anh đã hy sinh gìn giữ. Từ lâu, nhân dân xã Lý Sơn thuộc Hoàng Sa đã lưu truyền tại đình làng  An Vĩnh hai câu liễu đối để ghi nhớ công ơn cha anh: 

  “Ân đức xây dựng miền  đảo Lý
  Nghĩa tình bồi đắp dãi Hoàng Sa

Ở nơi biển cả mênh mông, đứa con Hoàng Sa trong vòng tay lãnh hải mẹ Việt Nam.  Để đến và giữ gìn nơi ấy, cha anh ta đã không màng đến sống chết, không màng đến hiểm nguy.

  “Hoàng Sa mây nước mênh mông
  Người đi thì có mà không thấy về
  Hay
  “Hoàng Sa lắm đảo nhiều cồn
  Chiếc chiếu bó tròn mấy sợi dây mây

Chúng ta không thể vượt qua mọi thử thách khắc nghiệt đó nếu như không có lòng yêu nước nồng nàn và nỗi khát khao bảo vệ lãnh hải, gìn giữ cho thế hệ mai sau:

  “ Hoàng Sa mây nước  bốn bề
  Tháng hai khao lề thế  lính Hoàng Sa”

Ngay sau đất nước hoàn toàn giải phóng, biên giới lục địa cũng như lãnh hải đã được khẳng định và công nhận. Thế nhưng, vào những năm 1988-1990, trước sự xâm lược của thế lực phương Bắc với vũ khí tối tân, tàu chiến hiện đại, mặc dù hải quân chúng ta còn non trẻ, nhưng với tinh thần yêu nước khắc sâu trong tim của mỗi con người Việt Nam, các anh quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh hải Việt Nam. Sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân Việt  Nam mãi mãi nằm xuống để những hòn đảo tưởng như vô tri ấy được ở bên cạnh “mẹ Việt Nam”.  Sóng gió biển xa, sự khắc nghiệt của cái cháy nắng, của cái khát thiếu nước ngọt… hiểu những điều đó, trái tim đất liền còn thao thức cùng đảo xa với muôn vàn biến cố. Chợt hiểu ra, bởi có tấc đất nào trên Tổ quốc này không nhuộm dòng máu cha anh!

Hôm nay, giữa bão tố, giữa nắng gió muôn trùng sóng vỗ, đời sống của cán bộ chiến sĩ và người dân trên huyện đảo Trường Sa vẫn từng ngày được cải thiện rõ rệt. Những cố gắng, những nỗ lực không biết mệt mỏi của các cán bộ chiến sĩ tại huyện đảo Trường Sa, tiếp nối từ truyền thống anh dũng bất khuất và hào hùng của các thế hệ đi trước đã và đang củng cố vững chắc chủ quyền Việt  Nam tại quần đảo Trường Sa, vốn đã được khẳng định vững chắc từ trong hàng trăm năm lịch sử. 

Thế hệ thanh niên chúng ta được sinh ra trong một đất nước thanh bình với những thành tựu Khoa Học Kỹ Thuật vượt trội và một nền kinh tế ngày càng chuyển mình đi lên. Đứng trước những thiên sử hào hùng của cha anh, chúng ta cảm nhận được sâu sắc trách nhiệm và vai trò của thanh niên hiện nay: ra sức học tập, phấn đấu để đạt được nhiều thành tựu Khoa Học Kỹ Thuật trong lĩnh vực quân sự nhằm hiện đại hóa và nâng cao vị thế chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam đặc biệt là hải quân. Ngoài ra cần phát huy và nhân rộng lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ hải đảo của dân tộc. 

Ra sức lao động đóng góp phát triển kinh tế đất nước, tuổi trẻ chúng ta  đang góp phần đưa Việt Nam  đạt được vị thế quan trọng trong chính trường quốc tế. Qua đó chúng ta khẳng định hơn nữa sự toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam là bất dịch.