tudu-b2.jpg
tudu-b1.jpg

Chào em

Về lý thuyết, thai 14 tuần vẫn nằm trong giới hạn tuổi thai ngoài ý muốn được phép chấm dứt thai kỳ. Tuy nhiên, hai vợ chồng em nên cân nhắc về tai biến trước mắt và lâu dài của thủ thuật bỏ thai to (là thai trên 12 tuần), nhất là nguy cơ vô sinh về sau này.

Em có thể đến khám và được tư vấn thêm tại khoa Kế hoạch Gia đình, bệnh viện Từ Dũ.

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

Chào em

Sau phá thai (uống thuốc hoặc hút thai) thường có hiện tượng ra máu âm đạo rỉ rả kéo dài vài tuần tùy theo mỗi phụ nữ, do hiện tượng thu hồi tử cung. Khả năng sinh sản sau hút thai có thể bị ảnh hưởng tùy mức độ mỗi người; có trường hợp không bị ảnh hưởng gì cả hoặc ngược lại có trường hợp gây hiếm muộn. Viêm nhiễm phụ khoa là một bệnh lý khá phổ biến, em nên nghe theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ đã khám cho em. Em nên áp dụng một biện pháp tránh thai nếu chưa có nhu cầu sinh con, em nhe.



ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

Chào bạn

Chọc ối là một trong các thủ thuật chẩn đoán trước sinh hiện đang được thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ. Chọc ối được tư vấn thực hiện đối với các trường hợp có nguy cơ cao về các rối loạn nhiễm sắc thể theo kết quả xét nghiệm sàng lọc trước sinh.


Chọc ối được thực hiện từ tuần thai thứ 16. Bạn sẽ được tư vấn cụ thể trước thủ thuật. Bạn là người có quyền quyết định chọc ối hay không sau khi được tư vấn và cân nhắc lợi ích - nguy cơ của chọc ối. Có qui trình thực hiện thủ thuật này rõ ràng tại Đơn vị Chẩn đoán Trước sinh.

ThS. BS. Ngô Thị Yên

Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

Khi mang thai, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ các sản phụ thường bị phù chân (phù thấp) do thai lớn chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch hồi lưu khi đi lại, ngồi nhiều hay đứng nhiều. Tuy nhiên, sau tuần lễ thứ 20 nếu các sản phụ bị phù toàn thân (đôi khi cũng rất kín đáo: thường để ý ở các vị trí: mi mắt, tay, chân,…) kèm theo cao huyết áp, trong nước tiểu có đạm. Trong chuyên môn chúng tôi gọi là tiền sản giật nếu không được theo dõi và điều trị sẽ triến triển thành tiền sản giật nặng hay sản giật nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và con. Do đó, trong trường hợp của bạn, bạn nên điu khám ở các BV có chuyên khoa sản để đánh giá tình trạng của mình. Chào em.



BS. CK2. Trần Thị Nhật Thiên Trang
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ


Chào em, đây là lịch tiêm chủng uốn ván của Bộ y tế áp dụng cho cả nước, mời em tham khảo:

Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu hoặc phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhật 1 tháng.

Mũi 3: Cách mũi 2 ít nhật 6 tháng hoặc trong thời kỳ có thai sau

Mũi 4: Cách mũi 3 ít nhất 1 năm hoặc trong thời kỳ có thai lần sau.

Mũi 5: Cách mũi 4 ít nhất 1 năm hoặc trong thời kỳ có thai lần sau.

 Thân mến

BS. CK2. Trần Thị Nhật Thiên Trang
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ

Bạn Ngọc Phượng thân mến,

Với xét nghiệm Triple test được thực hiện vào 3 tháng giữa thai kỳ (14 – 20 tuần). Khi giá trị AFP cao thì nguy cơ khuyết tật ống thần kinh cao, ngoài ra những bất thường thai nhi khác như: sứt môi chẻ vòm, thoát vị rốn, hở thành bụng,.. hoặc mẹ có bệnh lý gan.
Cần siêu âm hình thái thai nhi để xác định những bất thường của thai, không cần xét nghiệm máu mẹ lại hoặc chọc ối.
TS. BS. Lê Thị Thu Hà

Khoa Sản A - BV Từ Dũ
Quốc Đệ thân mến,

Trong qui trình khám thai có sàng lọc hội chứng Down cho bé. Nếu thuộc nhóm nguy cơ cao sẽ làm thêm bước chẩn đoán (sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối) để xác định. Vì sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối là thủ thuật xâm lấn có thể gây sẩy thai, nhiễm trùng bào thai, tổn thương thai nhi, nhiễm trùng ối nên không tiến hành cho những trường hợp có nguy cơ thấp. Nguy cơ được gọi là cao khi lớn hơn 1/200 đối với sàng lọc 3 tháng đầu thai kỳ.

Có lẽ em nhầm về nguy cơ hội chứng Down trên Double test. Nguy cơ 1/1000 hoặc 1/789 chứ không phải nguy cơ 789/1000.

Nếu nguy cơ 1/789 hoặc 1/1000 là nguy cơ thấp nên có thể theo dõi đến tuần 30 vẫn chưa phát hiện bất thường là tương đối yên tâm.

Nguy cơ thấp có nghĩa là ít nghĩ đến. Ví dụ nguy cơ bé bị hội chứng Down là  1/789 có nghĩa là trong 789 bé thì có 1 bé bị hội chứng Down. Vì nguy cơ thấp nên không tiến hành làm các xét nghiệm chẩn đoán như sinh thiết gai nhau hoặc chọc ối để xác định bệnh.

Lãng tai có thể di truyền, tuy nhiên không phát hiện được từ trong bào thai. Ngay sau sinh em có thể cho bé kiểm tra thích lực (tại bệnh viện Nhi Đồng)

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản A - BV Từ Dũ

Bạn Khương thân mến,

Khi thai ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ, buồng trứng sẽ hoạt động để tiết nội tiết thai kỳ và dưỡng thai, vì vậy có thể xuất hiện nang hoàng thể thai kỳ. Quan sát qua siêu âm là nang buồng trứng type 1A. Thông thường, nang hoàng thể sẽ thoái triển khi thai > 14 tuần tuổi. Vì thế nếu nhìn  thấy nang buồng trứng ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ chưa đáng ngại.

Khi thai lớn hơn 14 tuần tuổi thai, nếu nang BT vẫn tồn tại và kích thước > 5cm, thai phụ có thể được tư vấn để mổ nội soi bóc nang. Giai đoạn tuổi thai này là thai kỳ tương đối ổn định, việc mổ nội soi được thực hiện khá an toàn, và đa phần vẫn có thể dưỡng thai đến ngày sinh.



TS. BS. Lê Thị Thu Hà

Khoa Sản C - BV Từ Dũ


Chào bạn

Các số đo siêu âm của bạn nằm trong giới hạn bình thường của thai 23 tuần 3 ngày.

Nhau bám thấp vào thời điểm này có thể sẽ lên cao hơn vào cuối thai kỳ, khi đoạn dưới tử cung được thành lập. Bạn không nên quá lo lắng.

Tê mỏi tay chân là 1 trong những triệu chứng thiếu canxi. Nếu bạn chưa hề bổ sung canxi thì có thể uống thêm sữa, ăn phômai và thông báo với bác sĩ về các triệu chứng của bạn khi khám thai để được khám và kê toa phù hợp.


TS. BS. Lê Thị Thu Hà

Khoa Sản C - BV Từ Dũ
Bạn Hà My thân mến,

Bạn đã tiêm ngừa Priorix vào năm 2011 rồi nên không cần tiêm ngừa Rubella nữa.
Acid folic (Vitamin B9 hay folate) – là một trong những chất dinh dưỡng ít được biết đến có tác dụng ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh như tật chẻ đôi ống sống. Những người phụ nữ dùng acid folic mỗi ngày có thể làm giảm các dị tật bẩm sinh cho con của họ tới 70%. Ngoài ngăn ngừa các khuyết tật ống thần kinh, acid folic còn giúp tránh được các biến chứng và các dị tật khác như: sẩy thai, nhau bong non, sứt môi- chẻ vòm hầu, khuyết tật chi, tim bẩm sinh, đông máu. Bạn bổ sung acid folic trước khi mang thai là cần thiết, dùng tối thiểu 3 tháng trước mang thai, do vậy bạn có thể dùng lâu dài vẫn tốt.
Liều dùng được khuyến cáo khoảng 400mcg acid folic mỗi ngày. Trong thực phẩm có nhiều acid folic như: bột ngũ cốc, đậu lăng, đậu đen, măng tây, rau bó xôi, đậu phộng, nước cam tươi, bánh mì và mì ống, xà lách, bông cải xanh.  Các chế phẩm có acid folic: ferrovit, Adofex, Obimin, Tardiferon B9,…Nên uống lúc bụng đói sẽ giúp hấp thu thuốc tốt hơn.
Vitamin E có nhiều chức năng đối với cơ thể, chủ yếu là có tác dụng chống oxy hóa. Vitamin E có quan hệ mật thiết với chức năng sinh sản của động vật và con người.
Vitamin E còn có tác dụng chống lão hóa, chổng ung thư, là tố chất cần thiết duy trì chức năng và cấu tạo của hệ thống huyết quản ngoài, cơ tim, cơ xương. Thiêu vitamin E sẽ dẫn đến cơ bắp thiếu dinh dưỡng. Các loại thực phẩm giàu vitamin E có thể kể: mầm các loại hạt ngũ cốc, giá sống, trong các hạt nhiều dầu như dầu mè, đậu phộng, đậu nành, hạt hướng dương... Trong trường hợp thiếu vitamin E cần phải bổ sung vitamin E từ chế phẩm như Enat 400. Vì là vitamin tan trong dầu nên uống vitamin E cùng với hoặc ngay sau bữa ăn để nhờ chất béo của thức ăn giúp thuốc hấp thu tốt hơn.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản C - BV Từ Dũ

Tăng Mỹ Anh thân mến,

Hiện tại bạn chỉ cần giữ vệ sinh vùng kín là được. Bạn không cần phải tiêm ngừa Rubella nữa vì bạn đã nhiễm bệnh và đã có kháng thể bảo vệ.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản C - BV Từ Dũ
Bạn Ngọc Liễu thân mến,

Thai bạn 31 tuần 3 ngày, nhau tiền đạo loại 3. Với nhau tiền đạo thì có nguy cơ ra huyết âm đạo và phải mổ lấy thai. Nếu phải chấm dứt thai kỳ sớm (bất cứ khi nào mẹ có ra huyết âm đạo nhiều) thì con non tháng khó nuôi sống, vì thế cần chích thuốc hỗ trợ phổi thai nhi (dùng betamethasone  12mg/ 1 liều x 2 liều, tiêm bắp cách nhau 24 giờ; hoặc dùng dexamethasone phosphate  4mg/1ml, tiêm bắp mỗi lần 6mg tức 1,5 ống x 4 lần cách nhau 12 giờ như em đã dùng)
Nếu không ra huyết âm đạo, em được chỉ định mổ khi thai ≥ 37 tuần. Nếu ra huyết âm đạo nhiều em được mổ cấp cứu vào thời điểm ra huyết, bất kể tuổi thai.
Gò tử cung từng cơn, khoảng 4 cơn gò gây đau trong 20 phút hoặc 8 cơn gò trong 60 phút và có sự tiến triển cổ tử cung. Khi có cơn gò tử cung như vậy em sẽ bị ra huyết âm đạo vì có nhau tiền đạo, lúc này thì lo sợ tình trạng xuất huyết ồ ạt do chuyển dạ sinh non ở thai phụ có nhau tiền đạo. Trường hợp của em có lẽ em bé độn qua độn do xoay trở người hơn là gò tử cung, như thế thì không đáng lo. Tuy nhiên, em cần nằm nghỉ và theo dõi thêm.

Kết quả siêu âm thai nhi như vậy là tương ứng với tuổi thai.
Tùy vào mức độ ra huyết mà ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con nhiều hay ít, nếu ra huyết ồ ạt thì có khi nằm tại bệnh viện vẫn có thể nguy hiểm, nếu ra huyết ít một thì cả ngày vẫn chưa ảnh hưởng gì đáng kể. Vì vậy, không thể định thời gian ra huyết để nói lên sự ảnh hưởng đến mẹ và con. Tốt nhất là ở nơi nào gần bệnh viện để có thể đến nhanh nhất nếu có ra huyết. Vì tình trạng quá tải của bệnh viện nên các thai phụ có nhau tiền đạo nhưng không ra huyết và thai dưới 36 tuần vẫn chưa cần thiết nhập viện. Khi vào mổ, sẽ quan sát rõ ràng hai buồng trứng, lúc đó sẽ có hướng xử trí thích hợp

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản C - BV Từ Dũ

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ