banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Nhau tiền đạo

Hỏi - 19/05/2013
Xin chào các bác sĩ bệnh viện, em mang thai được 31 tuần 3 ngày… được chẩn đoán là nhau tiền đạo loại 3, nang buồng trứng 2 bên loại 2, em bé tới thời điểm này nặng 2.05kg, em vừa chích Dexamethason (dexamethason phosphat 4 mg/1ml,tb-tm(i.m-i.v)) 4 mũi, mội mũi cách nhau 12h, liên tục trong 2 ngày, mỗi lần chích 1.5 ống…theo em được biết là thuốc này có tác dụng hỗ trợ phổi cho em bé trong trường hợp sinh non phải không a5h? Và em được  chỉ định uống thêm 2 viên Spasmaverine mỗi ngày. Em không biết với bệnh án của em như vậy thì bác sĩ thường chỉ định sinh mổ ở tuần thứ mấy? Gây tê hay gây mê? Hiện tại sau khi tiêm về em bé của em đạp ít lại trong ngày tiêm, nhưng vẫn trên 100 lần trong 1 giờ…vì mỗi ngày em có theo dõi 3 mốc thời gan cử động của thai sáng, trưa, tối…nhưng nay có thêm hiện tượng em bé gò 1 cục, trước đây không có. Em muốn hỏi có phải do em có biểu hiện sinh non nên em bé mới gò đúng không a5h? Khi có sự cố ra huyết thì em cần thời gian bao lâu để di chuyển đến bệnh viện… do em ở gò vấp, nên di chuyển lên bệnh viện đi taxi khoảng 20-30 phút thì có kịp không? Vì em sợ bệnh của mình nguy hiểm nên định ghé Từ Dũ cho mẹ tròn con vuông? Nếp phải chỉ định mổ trước khi ra huyết thì tuần thứ mấy có thể mổ được, để em bé có thể phát triển khỏe mạnh? Mong sự hồi âm của các bác sĩ. Kết quả siêu âm màu gần nhất của em là ĐKLĐ 80mmm, CDXD 60, DKNB 88, CVB 293mm, ĐMR 0.6s/d 2.5 Dm na giữa r 0.7 (bt>0.7)s/d 3.6 (bt>3). Lượng nước ối bình thường, vị trí nhau bám: mặt sau nhóm 3, bộ dưới bánh nhau qua lỗ trong CTC độ trưởng thành 2, ước lượng cân nặng 2050g. Mẹ u nang buồng trứng 2 bên loại II 28x25 phải, 28 x 26 mm trái. Khối echo kém (kết quả này em siêu âm ở tuần 23 vì tuần 32 siêu âm bác sĩ nói em bé che mặt 2 cái nang nên nhìn không rõ nữa)
Trả lời
Bạn Ngọc Liễu thân mến,

Thai bạn 31 tuần 3 ngày, nhau tiền đạo loại 3. Với nhau tiền đạo thì có nguy cơ ra huyết âm đạo và phải mổ lấy thai. Nếu phải chấm dứt thai kỳ sớm (bất cứ khi nào mẹ có ra huyết âm đạo nhiều) thì con non tháng khó nuôi sống, vì thế cần chích thuốc hỗ trợ phổi thai nhi (dùng betamethasone  12mg/ 1 liều x 2 liều, tiêm bắp cách nhau 24 giờ; hoặc dùng dexamethasone phosphate  4mg/1ml, tiêm bắp mỗi lần 6mg tức 1,5 ống x 4 lần cách nhau 12 giờ như em đã dùng)
Nếu không ra huyết âm đạo, em được chỉ định mổ khi thai ≥ 37 tuần. Nếu ra huyết âm đạo nhiều em được mổ cấp cứu vào thời điểm ra huyết, bất kể tuổi thai.
Gò tử cung từng cơn, khoảng 4 cơn gò gây đau trong 20 phút hoặc 8 cơn gò trong 60 phút và có sự tiến triển cổ tử cung. Khi có cơn gò tử cung như vậy em sẽ bị ra huyết âm đạo vì có nhau tiền đạo, lúc này thì lo sợ tình trạng xuất huyết ồ ạt do chuyển dạ sinh non ở thai phụ có nhau tiền đạo. Trường hợp của em có lẽ em bé độn qua độn do xoay trở người hơn là gò tử cung, như thế thì không đáng lo. Tuy nhiên, em cần nằm nghỉ và theo dõi thêm.

Kết quả siêu âm thai nhi như vậy là tương ứng với tuổi thai.
Tùy vào mức độ ra huyết mà ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con nhiều hay ít, nếu ra huyết ồ ạt thì có khi nằm tại bệnh viện vẫn có thể nguy hiểm, nếu ra huyết ít một thì cả ngày vẫn chưa ảnh hưởng gì đáng kể. Vì vậy, không thể định thời gian ra huyết để nói lên sự ảnh hưởng đến mẹ và con. Tốt nhất là ở nơi nào gần bệnh viện để có thể đến nhanh nhất nếu có ra huyết. Vì tình trạng quá tải của bệnh viện nên các thai phụ có nhau tiền đạo nhưng không ra huyết và thai dưới 36 tuần vẫn chưa cần thiết nhập viện. Khi vào mổ, sẽ quan sát rõ ràng hai buồng trứng, lúc đó sẽ có hướng xử trí thích hợp

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Sản C - BV Từ Dũ