banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

27/07/2009

Ngừa thai trong thời gian cho con bú sữa mẹ (Phần 2)

BS. Nguyễn Trần Quốc Hải
Khoa KHHGĐ - BV Từ Dũ

Các phương pháp ngừa thai có hormone

  1. Thuốc tránh thai chỉ có Progestin (POPs: Progestin-Only contraceptive Pill )

Là thuốc ngừa thai dạng uống phù hợp trong thời gian cho con bú. Thuốc tránh thai chỉ có progestin không ảnh hưởng lên sự tiết sữa cũng như thành phần của sữa. Thuốc có thể sử dụng ngay sau sanh nhưng WHO khuyến cáo nên sử dụng POPs sau 6 tuần hậu sản tức là khi sự tiết sữa đã được thiết lập đầy đủ. Một khi sự tiết sữa đã hình thành thì POPs liều thấp không ảnh hưởng lên thời gian cho con bú cũng như tình trạng chung của trẻ. Tuy nhiên, so với thuốc ngừa thai dạng phối hợp thì POPs có hiệu quả thấp hơn. Tỷ lệ thất bại trong năm đầu tiên là khoảng 8%. Vì vấn đề quan trọng khi sử dụng POPs hay còn gọi là Mini-pill là viên thuốc cần được uống mỗi ngày vào cùng một thời điểm (cụ thể là trễ không quá 3 giờ). Nếu quên hay trễ hơn 3 giờ thì uống ngay viên thuốc quên và phải sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng trong vòng 48 giờ. Do điều kiện tuân thủ như vậy nên trên thực tế hiệu quả của phương pháp này không cao lắm.

  1. Thuốc tiêm tránh thai DMPA

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Nguồn: Inmagine.

Thuốc tiêm tránh thai được tiêm mỗi 3 tháng. Các phụ nữ cho con bú cần đợi đến sau 6 tuần hậu sản để có lần tiêm đầu tiên. Loại hormone giống progesterone trong thuốc tiêm này không làm ảnh hưởng đến sữa mẹ cũng như đứa trẻ. Hiệu quả của phương pháp này gần như tuyệt đối. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm ra rong huyết và tăng cân. Đối với các bà mẹ trẻ thì cần lưu ý do DMPA có thể làm ảnh hưởng đến mật độ xương, nhất là dùng kéo dài và ở người trẻ tuổi. Mặc dù ít cần sự tuân thủ so với các thuốc uống nhưng người sử dụng phải quay lại cơ sở y tế mỗi 3 tháng để được tiêm mũi tiếp theo (thời gian chênh lệc không quá 1 tuần). Và do tác dụng kéo dài nên khả năng có thai cũng hồi phục chậm, trung bình 10 tháng sau lần tiêm cuối.

3. Que cấy tránh thai Implanon

Đây cũng là một lựa chọn tốt cho các bà mẹ cho con bú. Cấy 1 que duy nhất dưới da ở mặt trong cánh tay có tác dụng ngừa thai trong vòng 3 năm. Que cấy phóng thích đều đặn progestin mỗi ngày và không ảnh hưởng đến sữa mẹ cũng như quá trình cho con bú. Việc đặt và rút que cấy cần được thực hiện bởi nhân viên y tế đã được tập huấn. Ở Việt Nam, biện pháp tránh thai này còn khá mới mẻ. Người sử dụng cần lưu ý khả năng rong huyết trong vài tháng đầu sử dụng và sau đó là vô kinh. Một điểm cần cân nhắc nữa là giá thành của phương pháp này là khá cao.

Vấn đề thuốc ngừa thai phối hợp trong giai đoạn cho con bú?

Thuốc ngừa thai phối hợp (COCs: Combined Oral Contraceptives) do có chứa estrogen nên không được khuyến cáo sử dụng trong thời gian cho con bú, nhất là giai đoạn đầu. Tuy nhiên, việc này là không tuyệt đối. Hiệu quả tránh thai của COCs là rất tốt, nhất là so với các thuốc tránh thai uống chỉ có progestin. COCs có thể làm giảm lượng sữa nhưng không làm thay đổi thành phần của sữa. Lượng estrogen tiết qua sữa không làm hại đến trẻ sơ sinh bình thường nhưng nếu trẻ sinh thiếu tháng thì bạn nên tránh dùng COCs. Trên thực tế WHO khuyến cáo rằng các bà mẹ cho con bú có thể đợi sau khi trẻ 6 tháng để dùng COCs vì sau giai đoạn này trẻ đã có khả năng tiếp nhận đa dạng thức ăn hơn.

Kết luận

Về nguyên tắc nếu cần tránh thai trong giai đoạn cho con bú thì nên tránh các biện pháp ngừa thai có chứa hormone. Tuy nhiên vẫn có các phương pháp có sử dụng hormone (progestin đơn thuần) không ảnh hưởng lên sữa mẹ để lựa chọn. Các bà mẹ cần cân nhắc giữa nhu cầu tránh thai và nhu cầu cho con bú (hoàn toàn hay không hoàn toàn), thời gian sớm hay muộn để áp dụng tránh thai và giá thành các phương pháp tránh thai để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp cho mình.

Tài liệu tham khảo

1.American College of Obstetricians and Gynecologists. Contraception while breastfeeding. ACOG Educational Bulletin, 2000, No. 258.

2.Improving Access to Quality Care in Family Planning: Medical Eligibility Criteria for Contraceptive Use. Geneva: World Health Organization; 1996

3. Janet Serwint. Offering beastfeeding mothers advice on contraception. Contemporary Ob/Gyn Oct. 1, 2004;49:72

4. Lawrence RA. Breastfeeding: A Guide for the Medical Profession. 5th ed. St. Louis, Mo: Mosby; 1999