08/11/2022

Khám kế hoạch gia đình - Bệnh viện Từ Dũ

Cập nhật 08/11/2022

 Khoa Kế hoạch gia đình tại Tầng 4 - Khu M - 227 Cống Quỳnh - Quận 1

- Vào cổng số 2

- Khi đến khám bạn có thể đến lấy số khám trực tiếp hoặc gọi điện đặt lịch hẹn giờ qua tổng đài: 0281081 hoặc 19002125

  Tại khoa hiện có các loại dịch vụ như sau:

- Khám và tư vấn rối loạn tình dục nữ

- Khám và tư vấn các biện pháp tránh thai

- Đặt dụng cụ tử cung chứa đồng, chứa nội tiết Mirena

- Tháo dụng cụ tử cung

- Cấy - rút que tránh thai

- Triệt sản nam

- Triệt sản nữ

- Nạo sinh thiết buồng tử cung

- Phá thai nội khoa

-  Hút thai

- Nong và gắp thai

Bảng giá khám và dịch vụ kỹ thuật mời bạn bấm vào đây
>>>> Giải đáp những thắc mắc thường gặp:
1. Muốn triệt sản nam bằng cách thắt ống dẫn tinh thì liên hệ ở đâu?

Triệt sản nam là phương pháp ngừa thai vĩnh viễn và rất hiệu quả ở Nam giới. Đây là thủ thuật đơn giản, không gây đau nhưng vì tính chất vĩnh viễn nên vợ chồng cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định lựa chọn.

Bệnh viện Từ Dũ cung cấp dịch vụ Triệt sản Nam tất cả các ngày làm việc trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu. Khách hàng nên đến Khoa Kế hoạch gia đình trước 9 giờ sáng và mất khoảng 2-4 tiếng để được thăm khám, xét nghiệm, tư vấn và thực hiện thủ thuật. Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp Khoa Kế hoạch gia đình – Bệnh viện Từ Dũ

(Tầng 4 – Khu M – 227 Cống Quỳnh) qua SĐT: 028 540 44355

Khi đến bệnh viện cần mang theo:

1.  Giấy đăng ký kết hôn / giấy chứng nhận độc thân

2.  Giấy CMND/ CCCD (Chồng + vợ)

(Bản chính + bản Photo không cần chứng thực)

 

2. Muốn triệt sản nữ thì bằng phương pháp nào và liên hệ ở đâu?

Triệt sản nữ là phương pháp ngừa thai vĩnh viễn và rất hiệu quả ở nữ giới. Đây là phẩu thuật đơn giản, nhưng vì tính chất vĩnh viễn nên vợ chồng cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định lựa chọn. Bệnh viện Từ Dũ cung cấp dịch vụ Triệt sản Nữ tất cả các ngày làm việc trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu. Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp Khoa Kế hoạch gia đình – Bệnh viện Từ Dũ (Tầng 4 – Khu M – 227 Cống Quỳnh) qua SĐT: 028 540 44355

Khi đến bệnh viện cần mang theo:

1.  Giấy đăng ký kết hôn
2.  Giấy CMND/ CCCD (Chồng + vợ)

(Bản chính + bản Photo không cần chứng thực)

Khám và làm hồ sơ nhập viện. Có 2 phương pháp: nội soi ổ bụng (được khuyến cáo) hoặc mổ hở.

 

3. Em muốn làm triệt sản nữ và khâu thẩm mỹ vùng kín trong 1 lần mổ được không? Liên hệ ở đâu để được làm?

Bạn có thể vừa thực hiện triệt sản nữ vừa khâu thẫm mỹ vùng kín trong 1 lần mổ bạn nhé. Bạn cứ đến khám tại Khoa Kế hoạch gia đình – Bệnh viện Từ Dũ (Tầng 4 – Khu M – 227 Cống Quỳnh) qua SĐT: 028 540 44355. Khi khám và tư vấn em đề nghị rõ các yêu cầu cần thực hiện của mình với Bác sĩ để Bác sĩ biết, ghi nhận vào hồ sơ bệnh án để thực hiện em nhé.

 

4. Khám để được tư vấn và chọn biện pháp tránh thai phù hợp thì tôi nên đi vào ngày thứ mấy của chu kỳ kinh?

Từ ngày 2 đến ngày 5 của chu kỳ kinh là tốt nhất. Nếu chưa có kinh lại hoặc vô kinh nhiều tháng thì bạn có thể đến khám bất cứ lúc nào để được khám và tư vấn phù hợp.

 

5. Sau sinh thường/sinh mổ bao lâu tôi mới đặt vòng được?

Thông thường sau sinh, hết thời kỳ hậu sản 4-6 tuần thì bạn có thể đặt vòng được. Tuy nhiên thời gian này còn tùy thuộc vào sự hồi phục sức khỏe của mỗi người có thể linh động cho phù hợp. Bạn cần đến khám  ở Khoa Kế hoạch gia đình – Bệnh viện Từ Dũ (Tầng 4 – Khu M – 227 Cống Quỳnh) để được bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp ngừa thai phù hợp nhé.

 

6. Tôi có lịch mổ lấy thai chủ động tại BVTD và muốn đặt vòng trong lúc mổ luôn được không?

Ngay khi mổ lấy thai, kích thước tử cung còn rất lớn, lòng tử cung còn rỗng chưa thu hồi lại như bình thường nên đặt vòng ở thời điểm này có nhiều rủi ro. Nên hiện tại BV chưa áp dụng thủ thuật đặt dụng cụ tránh thai trong lúc mổ lấy thai vì bất cứ nguyên nhân gì. Vì tỉ lệ thành công không cao và tăng nhiều rủi ro như dụng cụ tử cung di lệch sai vị trí có khi xuyên cơ tử cung đi vào ổ bụng rất nguy hiểm, tăng nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu… Vì vậy hiện tại bệnh viện Từ Dũ chưa áp dụng thủ thuật đặt dụng cụ tránh thai trong lúc mổ lấy thai.

 

7. Tôi đang cho con bú mẹ thì có cấy que hay đặt vòng được không?

Sau sanh, bạn đang cho con bú có thể chọn phương pháp ngừa thai là Cấy que hay đặt vòng đều được và tốt nhất là sau sanh từ 4-6 tuần trở lên. Ngoài ra bạn vẫn có thể lựa chọn các phương pháp ngừa thai khác như uống thuốc ngừa thai loại dành cho con bú chỉ có progestin hay loại ngừa thai kết hợp (từ tháng thứ 6 trở đi) hay sử dụng bao cao su bạn nhé.

 

8. Đang cho con bú mẹ thì có thể dùng thuốc tránh thai loại nào?

Đang cho con bú bạn có thể sử dụng thuốc tránh thai dành cho bà mẹ đang cho con bú loại:

  1. Loại chỉ có Progestin (thuốc viên, que cấy): được khuyến cáo nhiều hơn
  2. Loại kết hợp Progestin và Estrogen: từ 6 tháng sau sinh

Nhưng vẫn cần bác sĩ hoặc dược sĩ loại trừ các chống chỉ định khác của nội tiết tránh thai.

 

9. Cấy que tránh thai có tác dụng phụ gì hay không?

Cấy que tránh thai có thể gặp một số tác dụng phụ sau:

1. Tại vị trí cấy hoặc tháo que:

- Đau, bầm tím hoặc sưng tụ máu (rất ít gặp)

- Nhiễm trùng, áp xe

- Có thể để lại sẹo nhỏ

2. Ảnh hưởng của nội tiết sau khi cấy:

- Rối loạn kinh nguyệt trong 2-6 tháng đầu: rỉ máu lượng ít, kéo dài từng đợt 5-7 ngày hoặc lâu hơn; vô kinh, rất ít gặp vài đợt ra máu kinh lượng nhiều.

- Đau bụng âm ỉ, đau lưng hoặc đau đầu.

- Cảm giác buồn nôn, căng ngực.

 

10. Cấy que tránh thai có thể sẽ không ra kinh trong 3 năm có đúng không? Vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của tôi hay không?

Chỉ có 20-30% phụ nữ bị vô kinh trong khi sử dụng que cấy. Số còn lại có sự thay đổi trong kinh nguyệt, với đa số là giảm sự ra máu. Đó chỉ là tác dụng phụ của que cấy tránh thai, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.

 

11. Tại sao tôi đang đặt vòng mà vẫn có thai? Tại sao tôi uống thuốc ngừa thai mà vẫn có thai?

Mọi biện pháp tránh thai đều có tỉ lệ thất bại. Vòng (DCTC) thuộc nhóm có tỉ lệ thất bại thấp. Thất bại của một biện pháp tránh thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động liên quan như:

- Đối với DCTC:  sự di trú của DCTC khỏi vị trí ban đầu (lệch, tụột) ...

-  Đối với thuốc uống: quên thuốc, uống không đúng giờ, tương tác thuốc khác đang dùng làm giảm hiệu quả tránh thai…

- Hiệu quả của các phương pháp tránh thai:

  • Đặt DCTC: 98-99% nếu không có vấn đề thất bại như trên
  • Thuốc ngừa thai: 99%, nếu sử dụng đúng hướng dẫn (uống vào giờ nhất định và không quên thuốc)