banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

Kính nhờ bác sĩ tư vấn

Hỏi - 01/06/2014
Kính chào bác sĩ! Em mang thai con đầu tiên và không ở gần cha mẹ, người thân nên nhiều kiến thức về sức khỏe thai kỳ em không biết, kính mong bác sĩ tư vấn giúp dùm em. Em đều thăm khám định kỳ tại bnh viện Từ Dũ (khám dịch vụ hẹn giờ).

1. Tính đến ngày 1/6/2014 thì em mang thai được đúng 24 tuần (theo kỳ kinh cuối, kỳ kinh cuối em đều đúng 29 ngày), nếu tính theo kết quả siêu âm lúc thai 7 tuần (lúc xác định tim thai) thì thai em được 23 tuần 2 ngày. Còn nếu tính theo kết quả siêu âm lúc thai 11,6 tuần (lúc đo độ mờ da gáy và làm double test) thì em bé được 24 tuần 2 ngày. Bác sĩ làm ơn cho em hỏi như vậy chính xác là em mang thai được mấy tuần và mấy ngày ạ!

2. Em đi siêu âm hình thái học lúc thai 21-22 tuần, kết quả siêu âm hình thái học bình thường chỉ có ngã tư não thất bên là 7mm thôi, lúc siêu âm thai 17-18 tuần ngã tư não thất cũng 7mm. Em có tham khảo trên diễn đàn thì 7mm là nhóm cần theo dõi thêm về giãn não thất. Bác sĩ cho em hỏi từ nay đến tuần 40 não thất có xu hướng tăng thêm nữa không ạ, cách phòng tránh như thế nào ạ? Kết quả xét nghiệm máu và double test của em nguy cơ thấp.

3. Bác sĩ tư vấn giúp em vì em không biết đây có phải là gò tử cung không ạ. Khoảng từ tuần 22, ở phía dưới bụng, trên xương mu (ngay chỗ dây lưng quần) em thấy có gì đó giựt giựt, giống như mạch đập nhưng không phải đập liên tục như mạch, có khi giựt mạnh, không đau gì hết. Đến tuần 23 trở lại đây thì chuyển lên ngang rún bên trái, khi để tay vào thấy giựt mạnh hơn trước, không đau, không xốn, không cứng bụng, và chỉ 1 chỗ, chủ yếu là ban đêm và đặc biệt là nằm ngữa, 5 phút giựt 1 lần, liên tục, khoảng 15 phút rồi thôi, lâu lâu lại giựt tiếp, ban ngày giựt nhưng rất ít. Trong khi em chỉ biết phân biệt được em bé máy là nơi đó hơi xốn tí xíu (từ tuần 18 là em cảm thấy bé máy như vậy rồi, giống như tôm búng) ở nhiều chỗ khác nhau. Vậy hiện tượng giựt giựt là mạch đập mạnh hay là co thắt tử cung vậy thưa bác sĩ? Có nguy hiểm gì không ạ? Cách nào giảm bớt ạ?

4. 2 tuần nay em hay bị trằn bụng dưới khi đi lại, đây là dấu hiệu bị gì ạ, em phải phòng tránh như thế nào.

5. Từ tuần 12 đến tuần 22 em có bị huyết trắng đục, đặc không hôi, đi khám em có báo với bác sĩ nhưng bác sĩ chỉ cho nước rửa vệ sinh. Từ tuần 22 đến nay, huyết trắng em chuyển sang màu vàng nhạt, có mùi hôi và em cảm giác hơi ngứa ngứa ngay tại cửa âm đạo (không phải ngứa bên trong). Vậy em đi khám liền để xác định nguyên nhân hay chờ tới ngày tái khám (15/6/2014) rồi thông báo với bác sĩ ạ? Trước khi mang thai em có chữa viêm cổ tử cung tại bệnh viện Từ Dũ, xét nghiệm PAP tế bào phản ứng do viêm, lần cuối cùng em khám và xét nghiệm là 12/11/2013 (một tháng sau là em có thai). Bác sĩ ghi vào sổ khám phụ khoa là viêm cổ tử cung tái tạo và hẹn tái khám 6 tháng. Rất mong quý bác sĩ sớm có phản hồi, em xin chân thành cám ơn. Chúc bác sĩ nhiều sức khỏe

Trả lời
Sen mến,

1. Tuổi thai được tính suy ra từ ngày dự sinh. Ngày dự sinh được tính dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, nếu chu kỳ kinh đều đặn 28 ngày; hoặc dựa vào tuổi thai theo siêu âm 3 tháng đầu. Trường hợp của em nên tính ngày dự sinh theo siêu âm thai 7 tuần. Em cho biết siêu âm thai 7 tuần là ngày nào và bác sĩ khám thai sẽ tính ngày dự sinh cho em. Từ đó, tại một thời điểm bất kỳ trong quá trình mang thai, em có thể biết được tuổi thai của em. 

2. Siêu âm có dùng các từ ngữ chuyên môn sâu để mô tả các dấu hiệu ghi nhận được. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ căn cứ vào kết luận của siêu âm và các thông tin về bệnh sử, triệu chứng khám được để tư vấn đầy đủ cho phụ nữ mang thai. Thai nhi đang phát triển nên các chỉ số trên thai nhi đều sẽ có sự thay đổi, em ạ. Bác sĩ khám thai sẽ hướng dẫn cụ thể ở mỗi lần khám thai.

3. Cơn gò tử cung không có kiểu “giựt giựt” từng chỗ tí xíu như vậy, em ạ.Trương lực tử cung khi có cơn gò sẽ tạo cảm giác chắc đều cả bề mặt tử cung, đôi khi gây đau khi trương lực cao hơn 25 mmHg. Dấu hiệu em mô tả nghĩ đến cử động thai nhiều hơn.

4. Khi có dấu hiệu bất thường trong thai kỳ, em cần đến khám tại bác sĩ sản khoa.

5. Khi có thai, lượng khí hư âm đạo có thể nhiều hơn bình thường nhưng không gây cảm giác ngứa hoặc khó chịu khác. Em cần đến khám tại bác sĩ sản phụ khoa.

Thân mến,

ThS. BS. Ngô Thị Yên
Khoa Khám bệnh - BV Từ Dũ