banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

15/10/2018

Các phương pháp phá thai và nguy cơ

Ths.BS Nguyễn Thị Bích Ty

Khoa Kế hoạch gia đình

Phá thai là phương pháp để chấm dứt thai kỳ ngoài ý muốn, tùy theo tuổi thai sẽ có phương pháp phá thai thích hợp khác nhau. Hiện nay, phá thai ở Việt nam là hợp pháp và Bộ Y Tế cho phép phá thai ngoài ý muốn đến hết 22 tuần vô kinh. Tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng với chu kỳ kinh đều (với chu kỳ kinh không đều, tuổi thai có thể xác định bằng khám lâm sàng hoặc siêu âm).

1. Các phương pháp phá thai: có 2 phương pháp:

1.1Phá thai nội khoa (medical abortion):

Phá thai nội khoa là dùng thuốc để chấm dứt thai kỳ, đôi khi còn được gọi là phá thai không-ngoại khoa (non-surgical abortion) hoặc phá thai bằng thuốc (medication abortion). Đây là quá trình bao gồm nhiều bước liên quan đến 2 thuốc và hoặc nhiều liều của một thuốc. Khi dùng 2 thuốc thì hiệu quả và ít tác dụng phụ hơn 1 thuốc. Thuốc  gây dị tật thai. Phương pháp này thuận tiện, riêng tư, ít xâm lấn. Tuy nhiên, nếu phương pháp thất bại cần phải phá thai ngoại khoa. 

Có thể áp dụng phương pháp này đối với các tuổi thai từ khi phát hiện thai trong tử cung đến hết 22 tuần vô kinh. Tùy theo từng tuổi thai, thời gian từ nhà đến cơ sở y tế, sẽ có các phác đồ khác nhau: liều lượng thuốc dùng và đường dùng khác nhau, và cách theo dõi khác nhau (có thể theo dõi tại nhà, tại phòng khám hay phải nhập viện theo dõi).

1.2 Phá thai ngọai khoa (surgical abortion):

Phá thai ngọai khoa là dùng các thủ thuật đưa dụng cụ qua cổ tử cung để chấm dứt thai kỳ, bao gồm hút chân không (VA), và nong gắp thai (D&E).

Tùy theo tuổi thai sẽ có phương pháp thủ thuật khác nhau:

- Thai từ 6 đến 12 tuần vô kinh: thủ thuật hút thai chân không (VA): bằng tay (MVA) hoặc bằng máy (EVA).

- Thai > 12 tuần đến hết 18 tuần: thủ thuật nong – gắp thai (D&E).

Tuổi thai càng lớn thì thủ thuật càng khó hơn.

2. Nguy cơ của phá thai:

2.1 Phá thai nội khoa:

- Đau bụng: có thể dùng thuốc giảm đau, nếu đau tăng nhiều cần đến cơ sở y tế ngay. 

- Chảy máu: nếu ra máu nhiều (ướt đẫm 2 băng vệ sinh dày trong 2 giờ liên tiếp) cần phải đến cơ sở y tế ngay, hiếm khi cần truyền máu. 

- Sốt: có thể dùng thuốc hạ sốt. 

– Buồn nôn và nôn: thường tự hết, nếu nhiều có thể dùng thuốc chống nôn.

– Tiêu chảy: thường tự hết, nếu nhiều có thể dùng thuốc chống tiêu chảy, uống bù nước.

Nhiễm trùng: nếu nghi ngờ cần khám, nếu xác định cần dùng kháng sinh và hút buồng tử cung, nhập viện nếu cần.

2.2 Phá thai ngọai khoa:

Các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng là hiếm xảy ra sau phá thai an toàn, nhưng những biến chứng vẫn có thể xảy ra ngay cả khi thủ thuật được thực hiện một cách đúng đắn và chuyên nghiệp.

Khi phá thai được thực hiện ở những cơ sở hoặc người thực hiện thủ thuật không an toàn, thì những biến chứng thường gặp hơn nhiều. Một số phụ nữ sau phá thai không an toàn có thể cần phải được cấp cứu ngay vì tình trạng đe dọa tính mạng.

- Thai tiếp tục phát triển:  cần phải thực hiện phá thai ngoại khoa

- Sẩy thai không trọn: còn sót sản phẩm của sự thụ thai, sẩy thai không trọn sau sẩy thai tự nhiên hoặc phá thai được xử trí tương tự, tùy mức độ có thể có các phương pháp xử trí khác nhau: chỉ theo dõi, ngậm thuốc, hoặc hút buồng tử cung. Lựa chọn cách xử trí dựa vào tình trạng lâm sàng và ý muốn của phụ nữ.

- Băng huyết: có thể do còn sót sản phẩm của sự thụ thai (hay thường được gọi là sót nhau), tổn thương cổ tử cung, bệnh lý đông máu hoặc hiếm găp là thủng tử cung hoặc vỡ tử cung. Xử trí thích hợp phụ thuộc vào nguyên nhân gây băng huyết và mức độ nặng, bao gồm: hút lại buồng tử cung, thuốc co hồi tử cung, truyền máu, nội soi, mở bụng thám sát. Nếu không được xử trí thích hợp có thể gây choáng mất máu có thể đe dọa đến tính mạng.

- Nhiễm trùng: trường hợp năng cần phải nhập viện điều trị, nếu phát hiện muộn và không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến choáng nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng. Nhiễm trùng cũng có thể gây thai ngoài tử cung hoặc vô sinh trong tương lai.

Thủng tử cung: thường nội soi thám sát, nếu có tổn thương ruột, mạch máu hoặc các cơ quan khác, cần phẩu thuật mở bụng để xử trí tổn thương.

Dính buồng tử cung: có thể gây kinh ít hoặc vô kinh, vô sinh.

Các biến chứng liên quan gây mê, gây tê: choáng do thuốc, choáng do đau, co giật, ngưng tim ngưng thở.

Ngay cả khi phá thai an toàn, các biến chứng vẫn có thể xảy ra, ảnh hưởng đến tinh thần và thể chất của phụ nữ. Do đó, phụ nữ cần lựa chon cho mình một biện pháp tránh thai thích hợp, hiệu quả nếu chưa muốn có thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Khi có nhu cầu, các chị em phụ nữ có thể đến Phòng Tư Vấn, Khoa Kế hoạch gia đình, lầu 4, khu M, 227 Cống Quỳnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, để được tư vấn lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp nhất. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phá thai an toàn, Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bộ Y tế - 2016.
  2. Health worker roles in providing safe abortion care and post-abortion contraception, WHO – 2015.
  3. Clinical practice handbook for Safe abortion, WHO – 2014.