banner-dh-vuot-can-cung-me-02.jpg

15/04/2024

Thông tin thuốc tháng 03/2024

Hướng dẫn tiêm ngừa Vắc xin cho phụ nữ mang thai của Ủy ban Tư vấn tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP)

Việc tiêm ngừa vắc xin khi mang thai là rất quan trọng để đảm bảo khả năng miễn dịch chủ động của người mẹ chống lại các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, cũng như khả năng miễn dịch thụ động của trẻ sơ sinh đối với các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Theo quy định, vắc xin sống bị chống chỉ định trong thời kỳ mang thai vì chúng có thể gây nhiễm vi rút huyết/ nhiễm khuẩn huyết cho thai nhi;  vắc xin bất hoạt an toàn cho phụ nữ mang thai và thai nhi.

CDC, Khuyến cáo chung về tiêm chủng: Khuyến cáo của Ủy ban Tư vấn Tiêm chủng Hoa Kỳ (ACIP): “Nếu có nguy cơ tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, việc tiêm ngừa vắc xin cho phụ nữ mang thai thường mang lại nhiều lợi ích hơn rủi ro, trường hợp mắc bệnh gây nguy hiểm cho mẹ hoặc thai nhi và vắc xin không có khả năng gây hại.”

Vắc-xin cơ bản phòng bệnh:

COVID-19

● Việc tiêm ngừa vắc xin COVID-19 được khuyến khích cho phụ nữ mang thai, có dự định mang thai hoặc đang cho con bú. Có ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy độ an toàn và hiệu quả của việc tiêm ngừa, lợi ích của việc tiêm ngừa lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn trong thai kỳ.

Cúm (Bất hoạt hoặc tái tổ hợp)

● Phụ nữ mang thai và sau sinh có nguy cơ mắc bệnh nặng và biến chứng do cúm cao hơn phụ nữ không mang thai vì những thay đổi trong hệ thống miễn dịch, tim và phổi khi mang thai…. Vắc xin cúm có thể tiêm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, trước hoặc trong mùa cúm. Phụ nữ đang mang thai hoặc có dự định mang thai trong mùa cúm nên tiêm vắc xin cúm bất hoạt (IIV) hoặc vắc xin cúm tái tổ hợp (RIV).

Uốn ván, bạch hầu và ho gà (Tdap) và Bệnh uốn ván và bạch hầu (Td)

● Nên tiêm một liều Tdap trong mỗi lần mang thai bất kể thai phụ có tiêm Tdap trước đó hay không. Tdap có thể được tiêm vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Tuy nhiên, để tối ưu hóa đáp ứng kháng thể của mẹ và truyền kháng thể thụ động sang trẻ sơ sinh, thời điểm tối ưu để tiêm Tdap là từ tuần thứ 27 đến 36 của thai kỳ.

● Đối với những phụ nữ trước đây chưa được tiêm ngừa Tdap, nếu không tiêm Tdap trong thời kỳ mang thai thì nên tiêm Tdap ngay sau khi sinh.

● Dữ liệu từ các nghiên cứu không cho thấy tác dụng phụ bất thường ở phụ nữ mang thai sử dụng Tdap và một số ít tác dụng phụ nghiêm trọng được báo cáo có thể không phải do vắc xin này gây ra.

● Tiêm phòng uốn ván, bạch hầu (Td): phụ nữ mang thai chưa bao giờ được tiêm phòng bệnh uốn ván, bạch hầu nên tiêm ba mũi vắc xin phòng uốn ván và giảm độc tố bạch hầu. Lịch tiêm khuyến nghị là 0, 4 tuần và 6 đến 12 tháng. Nên thay Td bằng một liều Tdap, tốt nhất từ tuần 27 đến tuần 36 của thai kỳ.

Viêm gan A (HepA)

●     Độ an toàn của việc vắc xin viêm gan A đối với phụ nữ mang thai chưa được chứng minh. Tuy nhiên, vắc xin viêm gan A (HepA) được sản xuất từ ​vi rút viêm gan A bất hoạt nên trên lý thuyết, có ít nguy cơ gây hại cho thai nhi. Trong những trường hợp có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi rút viêm gan A, nên cân nhắc dựa trên lợi ích/ nguy cơ.

● Phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa vắc xin viêm gan A nếu có nguy cơ bị phơi nhiễm hoặc biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm vi rút

Viêm gan B (HepB)

● Không có chống chỉ định trên phụ nữ mang thai. Dữ liệu hạn chế cho thấy thai nhi không có nguy cơ gặp tác dụng phụ khi tiêm vắc xin viêm gan B (HepB) cho phụ nữ mang thai. Các loại vắc xin hiện có trên thị thường chứa kháng nguyên bề mặt viêm gan B (HBsAg) không lây nhiễm và không có nguy cơ phơi nhiễm cho thai nhi.

● Nếu chưa tiêm vắc xin viêm gan B (HepB), phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc xin viêm gan B trong thai kỳ vì người lớn từ 19 đến 59 tuổi đều được khuyến khích tiêm vắc xin viêm gan B.

○     Lưu ý: Heplisav-B và PreHevbrio không được khuyến cáo sử dụng trong thai kỳ do thiếu dữ liệu an toàn ở phụ nữ mang thai.

Viêm màng não (MenACWY hoặc MPSV4)

● Phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc-xin MenACWY hoặc MPSV4, nếu được chỉ định.

Viêm màng não (MenB)

● Không có thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng nào được tiến hành để đánh giá việc sử dụng vắc xin viêm màng não (MenB) ở phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Nên hoãn tiêm ở phụ nữ mang thai và cho con bú, trừ khi có nguy cơ phơi nhiễm cao và sau khi tham khảo ý kiến ​​của các bác sĩ.

Vi rút Papillomavirus ở người (HPV)

● Vắc xin HPV không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ mang thai. Nếu phụ nữ được phát hiện có thai sau khi tiêm một liều, thì các mũi tiêm còn lại nên được hoãn cho đến khi kết thúc thai kỳ. Không cần thử thai trước khi tiêm vắc xin. Nếu vô tình tiêm một liều vắc xin trong thời kỳ mang thai, không cần can thiệp

Liên hợp phế cầu khuẩn (PCV15 và PCV20)

● Chưa có khuyến cáo.

Polysaccharide phế cầu khuẩn (PPSV23)

● Độ an toàn của vắc xin polysaccharide phế cầu khuẩn trong ba tháng đầu của thai kỳ chưa được đánh giá, mặc dù chưa có báo cáo về hậu quả bất lợi ở trẻ sơ sinh có mẹ vô tình tiêm vắc xin trong thời kỳ mang thai.

Bệnh bại liệt (IPV)

● Mặc dù chưa ghi nhận tác dụng phụ của vắc xin phòng bệnh bại liệt (IPV) ở phụ nữ mang thai hoặc thai nhi, nhưng trên cơ sở lý thuyết, nên tránh tiêm ngừa IPV trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc bệnh cao và cần được bảo vệ, IPV có thể được tiêm theo lịch trình khuyến nghị cho người lớn.

Cúm (LAIV)

● Vắc xin cúm sống giảm độc lực (LAIV) không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai.

Sởi, Quai bị, Rubella (MMR)

● Không tiêm vắc xin sởi, quai bị, rubella (MMR) cho phụ nữ mang thai hoặc có dự định mang thai. Trên lý thuyết khi người mẹ tiêm vắc xin vi rút sống sẽ có nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn trên thai nhi. Phụ nữ nên được tư vấn tránh mang thai trong 28 ngày sau khi tiêm vắc xin MMR. Nếu vô tình tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai hoặc có thai trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vắc xin, người này nên được tư vấn về nguy cơ trên thai nhi.

● Không khuyến cáo thử thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trước khi tiêm vắc xin vi rút sống. Tiêm phòng vắc xin MMR khi mang thai không nên được coi là lý do để chấm dứt thai kỳ.

● Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định mang thai, có nguy cơ mắc bệnh Rubella không được tiêm phòng nên được tư vấn về nguy cơ tiềm ẩn của hội chứng Rubella ở trẻ sơ sinh và tầm quan trọng của việc tiêm phòng ngay khi họ không còn mang thai.

 

Thủy đậu

● Do tác động của vi rút thủy đậu lên thai nhi chưa được biết rõ, phụ nữ mang thai không nên tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh thủy đậu. Phụ nữ không mang thai đã tiêm vắc xin nên tránh mang thai trong vòng 1 tháng sau mỗi mũi tiêm.

● Không khuyến khích thử thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trước khi tiêm vắc xin vi rút sống. Nếu phụ nữ mang thai vô tình được tiêm vắc xin hoặc có thai trong vòng 4 tuần sau khi tiêm vắc xin MMR hoặc thủy đậu, nên được tư vấn về các tác dụng không mong muốn trên lý thuyết đối với thai nhi. Tuy nhiên, không nên coi việc tiêm vắc xin MMR hoặc thủy đậu khi mang thai là lý do để chấm dứt thai kỳ.

Zona

● Chưa có khuyến cáo. Cân nhắc trì hoãn cho đến khi kết thúc thai kỳ.

Vắc xin cần tiêm cho phụ nữ mang thai trước khi đi du lịch hoặc mục đích khác:

Bệnh than

● Khi nguy cơ phơi nhiễm với bào tử Bacillus anthracis trong không khí thấp, việc tiêm chủng cho phụ nữ mang thai không được khuyến khích và nên trì hoãn cho đến sau khi mang thai.

● Ngược lại, khi nguy cơ phơi nhiễm với bào tử Bacillus anthracis trong không khí cao, có thể tiêm vắc xin phòng bệnh than cho phụ nữ có thai và đồng thời điều trị bằng kháng sinh trong 60 ngày.

Bệnh lao (BCG)

● Không nên tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG) trong thời kỳ mang thai. Mặc dù chưa ghi nhận tác dụng có hại của vắc xin BCG đối với thai nhi, nhưng vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh tính an toàn của vắc xin này.

Viêm não Nhật Bản (JE)

● Không có nghiên cứu có kiểm soát nào đánh giá tính an toàn, khả năng miễn dịch hoặc hiệu quả của vắc xin viêm não Nhật Bản ở phụ nữ mang thai. Các nghiên cứu tiền lâm sàng trên chuột mang thai không cho thấy có phản ứng gây hại cho mẹ hoặc thai nhi. Tiêm chủng trong thời kỳ mang thai có thể được cân nhắc nếu bắt buộc phải đi đến vùng có dịch bệnh và nguy cơ mắc bệnh cao hơn nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ trong thai kỳ.

Bệnh dại

● Nếu có nguy cơ cao tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dại, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cũng có thể được chỉ định trong thai kỳ. Phơi nhiễm bệnh dại hoặc chẩn đoán bệnh dại ở người mẹ không nên được coi là lý do để chấm dứt thai kỳ.

Bệnh thương hàn

● Các loại vắc xin sống như Ty21a bị chống chỉ định trong thai kỳ. Vắc xin polysaccharide chỉ nên tiêm cho phụ nữ mang thai khi thực sự cần thiết.

Bệnh đậu mùa

● Trong giai đoạn mang thai, nếu người mẹ bị phơi nhiễm với vi rút bệnh đậu mùa (ví dụ: tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh đậu mùa), có nguy cơ mắc bệnh cao nên được tiêm ngừa vắc xin. Nhiễm đậu mùa ở phụ nữ mang thai đã được báo cáo là dẫn đến nhiễm trùng nặng hơn so với phụ nữ không mang thai. Do đó, rủi ro với mẹ và thai nhi khi mắc bệnh đậu mùa cao hơn so với rủi ro xảy ra do việc tiêm ngừa vắc xin.

● Khi chưa xác định được mức độ phơi nhiễm, quyết định tiêm chủng nên được đưa ra sau khi bác sĩ lâm sàng và bệnh nhân đánh giá những lợi ích/ nguy cơ trên mẹ và bé.

Sốt vàng

● Cần thận trọng khi tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng cho phụ nữ mang thai. Nếu bắt buộc phải đi du lịch đến vùng có dịch bệnh và nguy cơ phơi nhiễm cao, phụ nữ mang thai nên được tiêm ngừa vắc xin. Nếu nhận thấy rủi ro khi tiêm chủng cao hơn rủi ro khi mắc bệnh sốt vàng, phụ nữ mang thai nên được cấp giấy miễn trừ y tế để đáp ứng các quy định về sức khỏe.

 

Vaccine

Khuyến cáo

Cơ bản

COVID-19

Khuyến khích

Cúm (bất hoạt/ tái tổ hợp)

Khuyến khích

Uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap)

Khuyến khích

Uốn ván, bạch hầu (Td)

Nên sử dụng nếu có chỉ định khác (ưu tiên Tdap)

Viêm gan A

Cân nhắc dựa trên lợi ích/ rủi ro

Viêm gan B

Được đề xuất trong một số trường hợp

Viêm màng não cầu khuẩn (ACWY)

Có thể sử dụng nếu có chỉ định

Viêm màng não (B)

Cân nhắc dựa trên lợi ích/ rủi ro

Vi rút Papillomavirus ở người (HPV)

Không có khuyến cáo

Liên hợp phế cầu khuẩn (PVC13)

Không có khuyến cáo

Polysaccharide phế cầu khuẩn (PPSV23)

Chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo cụ thể

Bại liệt (IPV)

Có thể sử dụng nếu thật sự cần thiết

Cúm (sống, giảm độc lực)

Chống chỉ định

Sởi, quai bị, rubella (MMR)

Chống chỉ định

Thủy đậu

Chống chỉ định

Zona

Chống chỉ định

Tiêm phòng khi đi du lịch hoặc mục đích khác

Bệnh than

Nguy cơ phơi nhiễm thấp - không được khuyến cáo.

Nguy cơ phơi nhiễm cao - có thể được chỉ định

Bệnh viêm não Nhật Bản

Chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo cụ thể

Bệnh dại

Có thể sử dụng nếu có chỉ định

Bệnh thương hàn

Chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo cụ thể

Bệnh đậu mùa

Chưa tiếp xúc - chống chỉ định

Sau khi tiếp xúc - được khuyến cáo

Sốt vàng

Cân nhắc dựa trên lợi ích/ rủi ro

Bệnh lao (BCG)

Chống chỉ định.

Nguồn: National Center for Immunization and Respiratory Diseases, Guidelines for Vaccinating Pregnant Women, 2022